Từ khi có Nghị quyết số 02-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (Khóa XVIII) về “Nâng cao chất lượng, hiệu quả việc thực hiện quy chế dân chủ cơ sở trong thời gian tới”, việc thực hiện quy chế dân chủ cơ sở trong các cơ quan, đơn vị, địa phương nói chung, trong các loại hình doanh nghiệp nói riêng đã có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần quan trọng vào xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp.
Việc xây dựng quy chế dân chủ cơ sở tại nơi làm việc tại một số doanh nghiệp có nội dung khá tốt, ngoài 3 nội dung chính theo quy định gồm: Người sử dụng lao động công khai, người lao động tham gia ý kiến, quyết định, kiểm tra, giám sát; tổ chức Hội nghị người lao động và tổ chức đối thoại tại nơi làm việc, Liên đoàn Lao động tỉnh chỉ đạo các cấp Công đoàn thực hiện Hướng dẫn số 41/HD-TLĐ của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về công đoàn tham gia đối thoại và thực hiện quy chế dân chủ cơ sở tại nơi làm việc để đề nghị người sử dụng lao động công khai thêm các quy định mới liên quan đến quyền lợi của người lao động; thực hiện kiến nghị của thanh tra, kiểm tra, kiểm toán liên quan đến quyền lợi của người lao động; cách thức tiến hành và kết quả thương lượng tập thể; chế độ tham quan, nghỉ mát hàng năm; quyền được học tập, nâng cao trình độ, tay nghề;... phù hợp với tình hình thực tế tại doanh nghiệp và mở rộng các hình thức dân chủ như qua hộp thư góp ý, thư ngỏ, hiến kế, diễn đàn, tài liệu, ấn phẩm, bản tin, trao đổi trực tiếp với người lao động...
Bình quân hàng năm có 100 doanh nghiệp nhà nước, trên 90% doanh nghiệp ngoài nhà nước tổ chức hội nghị người lao động (trong ảnh: Hội nghị Người lao động tại Công ty TNHH May mặc và Xuất khẩu Appareltech Hà Tĩnh)
Nhìn chung, việc tổ chức hội nghị người lao động hàng năm các doanh nghiệp đã đi vào nề nếp, phát huy quyền dân chủ của người lao động trong tham gia quản lý doanh nghiệp, bảo vệ quyền lợi cho người lao động.
Nội dung hội nghị tập trung đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh, bàn các giải pháp thực hiện nhiệm vụ của doanh nghiệp năm tiếp theo; kết quả thực hiện thỏa ước lao động tập thể; sử dụng quỹ khen thưởng, quỹ phúc lợi, quỹ xã hội từ thiện, BHXH, BHYT, BHTN; kết quả thực hiện các phong trào thi đua, khen thưởng của doanh nghiệp; tổ chức đối thoại những nội dung liên quan đến quyền và lợi ích của doanh nghiệp và người lao động vv…
Ban Chấp hành công đoàn cơ sở đã chủ động phối hợp với Giám đốc doanh nghiệp xây dựng kế hoạch, chuẩn bị nội dung hội nghị người lao động theo quy định. Hướng dẫn công nhân lao động thảo luận đóng góp ý kiến vào các báo cáo của doanh nghiệp và công đoàn, nội quy, quy chế, các giải pháp pháp nâng cao hiệu quả sản xuất, cải thiện điều kiện làm việc, đảm bảo các chế độ, chính sách, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động.
Thời gian qua, các cấp công đoàn trong tỉnh đã có rất nhiều nỗ lực để thúc đẩy các hoạt động đối thoại trong quan hệ lao động, cũng như chủ động khởi xướng và tham gia các hoạt động đối thoại với người sử dụng lao động góp phần hạn chế tranh chấp lao động. Số doanh nghiệp có tổ chức công đoàn tổ chức đối thoại tại nơi làm việc hàng năm đạt tỷ lệ trên 90%.
Hoạt động đối thoại được diễn ra thường xuyên tại các doanh nghiệp (trong ảnh: Hội nghị Đối thoại "Lắng nghe và Thấu hiểu" tại Xí nghiệp Khai thác và Chế biến Khoáng sản)
Giám đốc doanh nghiệp và Ban chấp hành công đoàn cơ sở đã nghiên cứu, lựa chọn những nội dung đối thoại phù hợp với đặc thù, tình hình doanh nghiệp, ưu tiên các nội dung liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích của người lao động như tiền lương, tiền thưởng, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, chất lượng bữa ăn giữa ca, tình hình thực hiện chế độ chính sách về BHXH, BHYT, BHTN; trách nhiệm của các bên trong việc tổ chức thực hiện kết quả đối thoại. Kết quả đối thoại tại nơi làm việc đã cải thiện điều kiện sống và làm việc của người lao động, là động lực tạo nên sự đoàn kết, gắn bó để xây dựng doanh nghiệp phát triển.
Đến nay có 100% doanh nghiệp nhà nước và trên 80% doanh nghiệp ngoài nhà nước có tổ chức công đoàn ký kết Thỏa ước lao động tập thể (TƯLĐTT). Nội dung, chất lượng các bản TƯLĐTT đã có nhiều điều khoản có lợi hơn cho người lao động so với quy định của pháp luật, nhất là những vấn đề về tiền lương, tiền thưởng, bảo đảm việc làm, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, công tác đảm bảo an toàn vệ sinh lao động, đào tạo và đào tạo lại tay nghề, nâng cao kỹ năng nghề nghiệp, đảm bảo phúc lợi ngày một tốt hơn cho người lao động. Việc thực hiện nội dung thỏa ước lao động tập thể được các doanh nghiệp quan tâm thực hiện khá tốt, được tập thể người lao động đồng tình, tin tưởng vào người sử dụng lao động, tạo sự đoàn kết, gắn bó, yên tâm lao động sản xuất xây dựng doanh nghiệp phát triển.
Các doanh nghiệp thường xuyên quan tâm thực hiện tốt quyền được biết, được tham gia, quyết định và kiểm tra, giám sát của người lao động như: Tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; Nội quy lao động; quy chế tuyển dụng, sử dụng lao động, nâng lương, trả lương, trả thưởng, trang bị bảo hộ lao động, quy trình vận hành máy móc, thiết bị, an toàn vệ sinh lao động, bảo vệ bí mật kinh doanh, bảo vệ bí mật công nghệ; chế độ, chính sách cho người lao động. Quyền được tham gia ý kiến như nghị quyết hội nghị người lao động; quy trình, thủ tục giải quyết tranh chấp lao động, xử lý kỷ luật lao động, trách nhiệm vật chất và các nội dung khác liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người lao động vv…
Việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở trong doanh nghiệp đã phát huy dân chủ, tiềm năng, trí tuệ của người lao động, đưa ra các giải pháp khoa học trong quản lý, điều hành sản xuất kinh doanh phù hợp; xây dựng các nội quy, quy chế có chất lượng về nội dung, phù hợp trong triển khai thực hiện tại doanh nghiệp cùng hướng tới mục tiêu xây dựng doanh nghiệp phát triển, từng bước nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho người lao động, xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp.
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ cơ sở tại một số doanh nghiệp còn một số tồn tại hạn chế:
- Quy trình tổ chức hội nghị người lao động tại một số doanh nghiệp chưa đảm bảo theo quy định. Nội dung hội nghị người lao động chủ yếu bàn kế hoạch sản xuất kinh doanh, chưa quan tâm đến việc đảm bảo chế độ, chính sách và các giải pháp nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động.
- Một số doanh nghiệp tổ chức đối thoại tại nơi làm việc chưa đúng quy định, chưa giải quyết được những vấn đề bức xúc, những lợi ích thiết thực của của tập thể người lao động. Khi đối thoại không đủ căn cứ để phân tích, giải trình nội dung đối thoại; phương pháp, kỹ năng đối thoại còn hạn chế.
- Một số doanh nghiệp chưa xây dựng quy chế dân chủ cơ sở, còn lúng túng trong việc triển khai thực hiện quy chế dân chủ cơ sở tại nơi làm việc
- Một số bản thỏa ước lao động tập thể đã hết hạn nhưng chưa thương lượng sửa đổi, bổ sung, ký lại. Chất lượng thỏa ước lao động tập thể tại một số doanh nghiệp tuy đã được cải thiện nhưng vẫn chưa đáp ứng được lợi ích, nguyện vọng chính đáng của người lao động. Một số bản thỏa ước lao động tập thể còn hình thức, nội dung chủ yếu sao chép lại các điều khoản quy định trong Bộ luật Lao động.
Thời gian tới, Liên đoàn Lao động tỉnh sẽ tập trung một số nội dung trọng tâm nhằm nâng cao hơn nữa việc thực hiện quy chế dân chủ cơ sở trong các doanh nghiệp:
Kịp thời hướng dẫn, chỉ đạo, hỗ trợ các cấp công đoàn nâng cao hiệu quả phối hợp tham gia xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ cơ sở. Từng bước nâng cao chất lượng hội nghị người lao động. Đổi mới công tác vận động, hướng dẫn đoàn viên, người lao động tham gia xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ cơ sở, tập trung vào việc xây dựng nội quy, quy chế của đơn vị, doanh nghiệp có chất lượng, quan tâm đưa những nội dung có lợi cho người lao động so với quy định của pháp luật vào nội quy, quy chế. Tập trung nghiên cứu, đề xuất các giải pháp thực hiện có hiệu quả các nội quy, quy chế, khắc phục tình trạng dân chủ hình thức.
Tiếp tục chỉ đạo các cấp công đoàn nâng cao chất lượng thương lượng, ký kết và thực hiện có hiệu quả TƯLĐTT, đây là giải pháp tối ưu của tổ chức công đoàn góp phần nâng cao phúc lợi, lợi ích thiết thực cho đoàn viên, người lao động. Phát huy vai trò, trách nhiệm của tổ chức công đoàn trong chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ công đoàn cơ sở trong doanh nghiệp về thương lượng tập thể, nâng cao chất lượng TƯLĐTT, đưa nhiều chế độ, chính sách của công nhân lao động có lợi hơn so với quy định của pháp luật vào TƯLĐTT. Tổ chức giám sát việc thực hiện TƯLĐTT tại các doanh nghiệp, đề xuất xử lý các vi phạm pháp luật về TƯLĐTT.
Chỉ đạo, hướng dẫn công đoàn cơ sở phối hợp với người sử dụng lao động tổ chức thực hiện tốt việc đối thoại tại nơi làm việc nhằm chia sẻ thông tin, tăng cường sự hiểu biết giữa người sử dụng lao động và người lao động để xây dựng quan hệ lao động tại nơi làm việc. Nội dung đối thoại tập trung vào những vấn đề: Tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; việc thực hiện hợp đồng lao động, TƯLĐTT, nội quy, quy chế và cam kết, thỏa thuận khác tại nơi làm việc; bảo đảm các điều kiện làm việc; những yêu cầu của người lao động, tập thể lao động đối với giám đốc doanh nghiệp và một số nội dung khác mà hai bên quan tâm, góp phần thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển và đảm bảo chế độ chính sách đối với người lao động được tốt hơn.
Hôm nay : 91
Tháng này : 17662