Trong những năm qua, các cấp công đoàn tỉnh Hà Tĩnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL), tạo được sự chuyển biến tích cực trong nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của người lao động và người sử dụng lao động góp phần xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định, kịp thời bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động và tạo điều kiện để doanh nghiệp ổn định sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đưa mối quan hệ giữa doanh nghiệp, tổ chức công đoàn và người lao động ngày càng gắn bó và phát triển.
Hiện nay, toàn tỉnh có 69.875 đoàn viên công đoàn, trong đó khối doanh nghiệp là 26.485 đoàn viên. Đoàn viên thuộc khối doanh nghiệp phần lớn là lao động phổ thông, trình độ, hiểu biết về pháp luật còn có mặt hạn chế, vì vậy, hàng năm LĐLĐ tỉnh chủ động phối hợp tuyên truyền các nội dung về Luật BHXH,BHYT, Luật Công đoàn, Bộ luật Lao động, Luật Giao thông đường bộ… với các hình thức phong phú, đa dạng, qua đó giúp người lao động hiểu và tự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng, tuân thủ đúng nội quy, quy định của đơn vị, doanh nghiệp.
LĐLĐ tỉnh tuyên truyền pháp luật cho CNLĐ Khu kinh tế Vũng Áng
Hàng năm, LĐLĐ tỉnh đã xây dựng kế hoạch triển khai đồng bộ các hoạt động tuyên truyền, PBGDPL cho công nhân lao động trong các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, nhất là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Công tác tuyên truyền, PBGDPL được các cấp công đoàn trong tỉnh từng bước đổi mới về nội dung và hình thức, đảm bảo phù hợp với thực tiễn ở cơ sở và nhu cầu của công nhân lao động.
Công tác tuyên truyền, PBGDPL luôn được các cấp công đoàn từng bước đổi mới về nội dung và hình thức phù hợp với thực tiễn ở cơ sở và nhu cầu của đoàn viên, người lao động, ứng dụng mạnh mẽ mạng xã hội facebook, zalo để tuyên truyền. Nội dung tuyên truyền chú trọng những điều luật liên quan trực tiếp đến người lao động như Bộ luật Lao động, Luật BHXH, Luật BHYT, Luật Công đoàn… nhất là những luật định có các nội dung liên quan đến hợp đồng lao động, thời gian làm việc, nghỉ ngơi; chế độ đối với lao động nữ khi mang thai và sinh con; điều kiện khi người lao động làm việc trong môi trường nặng nhọc, độc hại; vai trò của tổ chức công đoàn trong hoạt động chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho CNVCLĐ…
Liên đoàn Lao động tỉnh thường xuyên phối hợp hiệu quả với Công an tỉnh, Ban An toàn giao thông tỉnh, Sở Tư pháp, BHXH tỉnh, Sở LĐ, TB&XH, Chi cục Dân số… đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục chính sách pháp luật cho CNVCLĐ về pháp luật đảm bảo trật tự an toàn giao thông; thực hiện đúng các chế độ BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp; thực hành các kỹ năng về an toàn vệ sinh lao động, bảo hộ lao động, phương pháp phòng, chống bệnh nghề nghiệp; thực hiện cải cách hành chính; phòng, chống tác hại của thuốc lá; công tác phòng ngừa, tố giác và tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội; tích cực tham gia công tác xây dựng đời sống văn hóa trong CNVCLĐ và xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa. Các hình thức tuyên truyền ngày càng phong phú, đa dạng như: tuyên truyền trực tiếp tại các doanh nghiệp, tuyên truyền trước giờ vào ca, giờ sinh hoạt, giờ nghỉ giữa ca, sau giờ tan ca…
LĐLĐ huyện Hương Khê phối hợp tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật và đối thoại với đoàn viên, CNVCLĐ
Tại nhiều doanh nghiệp, để đẩy mạnh công tác tuyên truyền, PBGDPL đã xây dựng tủ sách pháp luật; thường xuyên bổ sung đầu sách, sổ tay, tài liệu pháp luật liên quan trực tiếp đến người lao động. Đặc biệt, LĐLĐ tỉnh đã chỉ đạo và phối hợp với các cấp công đoàn thông qua việc tổ chức các chương trình nhân dịp Tháng Công nhân, Tết sum vầy… giải đáp, tư vấn kịp thời những vướng mắc trong quá trình thực hiện pháp luật về lao động cũng như các quy định pháp luật khác cho người lao động.
Qua tuyên truyền, PBGDPL, đa số người lao động đã dần tiếp cận với các quy định của pháp luật, đặc biệt các nội dung pháp luật liên quan đến quyền, nghĩa vụ cơ bản của công dân, quy định pháp luật liên quan trực tiếp đến người lao động; dần biết sử dụng quy định pháp luật để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình, tôn trọng quyền, lợi ích hợp pháp của những người xung quanh, không vi phạm điều cấm của pháp luật, góp phần tích cực và việc phát triển kinh tế - xã hội, ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và tăng cường quản lý nhà nước bằng pháp luật.
LĐLĐ thị xã Hồng Lĩnh tuyên truyền phổ biến pháp luật lao động cho công nhân lao động Công ty TNHH Haivina Hồng Lĩnh
Năm 2023, LĐLĐ tỉnh đã phối hợp tổ chức 6 lớp tuyên truyền công tác đảm bảo an toàn giao thông, chính sách dân số, chính sách lao động nữ cho gần 1.500 đoàn viên, CNLĐ; các công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở và công đoàn cơ sở tổ chức tuyên truyền chính sách, pháp luật của Nhà nước cho trên 62.309 lượt người lao động; phát động đoàn viên, CNVCLĐ tham gia 3 cuộc thi trực tuyến: Chung tay vì An toàn giao thông; Tìm hiểu pháp luật về BHXH, BHYT; CNVCLĐ tìm hiểu truyền thống lịch sử, tinh thần yêu nước của dân tộc Việt Nam trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc với gần 29.000 lượt người tham gia. Công tác tư vấn pháp luật được quan tâm, các cấp công đoàn đã tư vấn pháp luật hơn 16.000 lượt đoàn viên, CNVCLĐ.
Để công tác tuyên truyền, PBGDPL cho người lao động đạt hiệu quả, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới, các cấp công đoàng Hà Tĩnh sẽ tập trung quan tâm một số giải pháp:
* Nhóm giải pháp đối với tổ chức công đoàn:
- Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp Công đoàn tăng cường tổ chức các hoạt động tuyên truyền cho người lao động trong các loại hình doanh nghiệp. Xây dựng kế hoạch tuyên truyền ngay từ đầu năm với những nội dung, thời gian, chỉ tiêu, điều kiện đảm bảo một cách cụ thể. Quan tâm đổi mới trong lựa chọn nội dung, hình thức tuyên truyền, tập trung tuyên truyền chính sách pháp luật lao động, pháp luật Công đoàn, chính sách BHXH, BHYT, BHTN, về ý thức chấp hành kỷ luật lao động, tác phong công nghiệp, tuyên truyền về phòng chống tệ nạn xã hội, luật an toàn giao thông, phòng chống tác hại thuốc lá…
- Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công đoàn cơ sở, đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật. Thường xuyên bổ sung kiện toàn và duy trì sinh hoạt định kỳ báo cáo viên theo hướng nâng cao trách nhiệm, ý thức tham gia sinh hoạt và thực hiện nhiệm vụ của Báo cáo viên. Tăng số lớp tập huấn theo chuyên đề, phân loại đối tượng, chú ý cung cấp kỹ năng, phương pháp tuyên truyền cho cán bộ công đoàn các cấp và đội ngũ báo cáo viên công đoàn, nhất là đội ngũ cán bộ công đoàn trong doanh nghiệp. Cung cấp thông tin, nội dung tuyên truyền phù hợp, kịp thời theo sự chỉ đạo của cấp trên gắn với nhu cầu từ thực tiễn và người lao động. Chú ý về thời gian, không gian khi tổ chức các buổi tuyên truyền, tùy thuộc vào thời gian, không gian, địa điểm để điều chỉnh, lựa chọn hình thức tuyên truyền cho phù hợp.
- Nâng cao tính chủ động của CĐCS: Đây là việc làm cần thiết vì nếu CĐCS chỉ phụ thuộc vào cấp trên tổ chức các buổi tuyên truyền thì sẽ không được nhiều. Vì vậy, CĐCS cần xây dựng kế hoạch tuyên truyền hàng năm (trong đó có sự phân bổ về nguồn lực trong nguồn kinh phí và đoàn phí công đoàn); đề xuất với người sử dụng lao động tạo mọi điều kiện để tổ chức thực hiện; lựa chọn những nội dung cần tuyên truyền thông qua sự chỉ đạo của công đoàn cấp trên, qua việc nắm bắt tình hình tư tưởng của người lao động, những vấn đề liên quan đến tình hình sản xuất kinh doanh, đến môi trường và cuộc sống, chọn thời điểm thích hợp tổ chức tuyên truyền; đồng thời lựa chọn nội dung tuyên truyền để phát thanh hàng ngày theo hệ thống loa phát thanh tại doanh nghiệp; xây dựng hòm thư góp ý, tủ sách pháp luật tại doanh nghiệp.
* Nhóm giải pháp đối với Người sử dụng lao động:
- Lựa chọn những người có khả năng làm tốt công tác vận động quần chúng, thể hiện ở khả năng thuyết phục, thuyết trình, giao tiếp tốt để giới thiệu tham gia công tác công đoàn.
- Thực hiện tốt trách nhiệm của doanh nghiệp về thực hiện các quy định của pháp luật lao động đối với người lao động trong doanh nghiệp, thực hiện đúng các chế độ, chính sách được cụ thể hóa trong hợp đồng lao động, nội quy lao động, thỏa ước lao động tập thể.
- Cộng tác chặt chẽ với tổ chức Công đoàn trong công tác quản lý CNLĐ, đảm bảo các quy định của pháp luật đối với hoạt động của tổ chức công đoàn tại doanh nghiệp, thực hiện đóng kinh phí công đoàn theo quy định; tạo mọi điều kiện để Công đoàn thực hiện tốt chức năng và nhiệm vụ của mình, nhất là thời gian để thực hiện các hoạt động tuyên truỳen tại doanh nghiệp (theo Luật PBGDPL)
- Tạo môi trường, điều kiện thuận lợi để cán bộ công đoàn phát huy vai trò, tạo cơ chế phối hợp trên tinh thần tôn trọng và hợp tác để giải quyết những vấn đề liên quan đến nghĩa vụ, quyền lợi của cả hai bên và với người lao động. Giành thời gian để cán bộ công đoàn cơ sở tham gia các hoạt động, các lớp bồi dưỡng do công đoàn cấp trên tổ chức. Có chính sách riêng hỗ trợ thêm cho cán bộ công đoàn.
* Nhóm giải pháp về nguồn lực
- Tăng cường sự phối hợp thường xuyên với các ngành chức năng như ngành tư pháp, ngành LĐTB-XH, BHXH, Công An, Chi cục DS- KHHGĐ, Ban An toàn giao thông ... huy động các nguồn lực cho công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật.
- Huy động nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất phục vụ cho hoạt động nói chung và công tác tuyên truyền PBGDPL nói riêng.
- Đổi mới cơ chế phân bổ và quản lý, sử dụng kinh phí tuyên truyền phù hợp với tình hình, đối tượng, địa bàn, đảm bảo sự chủ động của các cấp công đoàn. Quy định rõ tỷ lệ kinh phí để giành cho công tác tuyên truyền trong nguồn kinh phí hoạt động chung.
Hôm nay : 277
Tháng này : 57248