Qua 10 năm thực hiện Nghị quyết số 4a-NQ/TLĐ (Nghị quyết 4a), ngày 24/6/2024 của Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về “về nâng cao hiệu quả hoạt động công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở đáp ứng yêu cầu phong trào công nhân và hoạt động công đoàn trong tình hình mới” hoạt động của các công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở tại Hà Tĩnh đã có nhiều chuyển biến, đổi mới về nội dung và phương thức theo phương châm vì cơ sở, hướng mạnh về cơ sở, lấy cơ sở làm đia bàn hoạt động chính.
Trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức: nhưng các công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, hỗ trợ của các cấp ủy, chính quyền; sự quyết tâm, nỗ lực hành động của cả hệ thống công đoàn; sự đồng lòng của cán bộ, đoàn viên, hoạt động các công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở tỉnh nhà đã thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ giải pháp của Nghị quyết đề ra.
Hội nghị tập huấn nghiệp vụ công đoàn năm 2024
Sau 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết, nhìn chung, tổ chức và hoạt động của công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở đã đạt được nhiều kết quả nổi bật: công tác tuyên truyền phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS; đại diện và tham gia với chính quyền địa phương, cơ quan quản lý nhà nước về những vấn đề có liên quan đến công nhân, viên chức, lao động và hoạt động công đoàn; chỉ đạo hướng dẫn, hỗ trợ CĐCS tổ chức thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho đoàn viên, người lao động, góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp trên địa bàn. Nhiều cán bộ chuyên trách công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở được đào tạo cơ bản đã qua nhiều đơn vị công tác, có kinh nghiệm hoạt động công đoàn. Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở đã từng bước được đầu tư về cơ sở vật chất, nguồn nhân lực, tài chính tạo được sự chủ động trong thực hiện nhiệm vụ, củng cố tổ chức, tiếp tục khẳng định được vai trò, vị trí của mình, tạo được niềm tin trong đoàn viên, người lao động với các kết quả nổi bật như sau:
Công tác kiện toàn, củng số tổ chức công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở được quan tâm: Năm 2015 thành lập LĐLĐ thị xã Kỳ Anh, năm 2016 thành lập Công đoàn các Khu Kinh tế, có 139 CĐCS với 12.133 đoàn viên chiếm 17% đoàn viên toàn tỉnh đây là 2 đơn vị quan trọng có nhiều doanh nghiệp ngoài nhà nước, FDI; tiến hành việc sắp xếp lại công đoàn ngành địa phương, công đoàn giáo dục huyện, giải thể 12/12 công đoàn giáo dục cấp huyện, chuyển 604 Công đoàn cơ sở trường học về trực thuộc LĐLĐ huyện, thị xã, thành phố. Trước khi thực hiện Nghị quyết 4a, LĐLĐ tỉnh Hà Tĩnh quản lý 34 công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở, thực hiện chủ trương cấp trên đã tiến hành sáp nhập 02 đơn vị, giải thể 12 đơn vị, đến nay còn 20 công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở, trong đó 13 LĐLĐ cấp huyện, 07 công đoàn ngành, (giảm 14 đơn vị).
Năm 2023, các cấp Công đoàn Hà Tĩnh đã tra tặng 21.479 suất quà cho đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn với số tiền 10.831 tỷ đồng
Đội ngũ cán bộ công đoàn chuyên trách từng bước được bố trí đúng người, đúng việc, hợp lý cả về số lượng và chất lượng, phát huy được năng lực, sở trường công tác; năm 2014 có 78 cán bộ chuyên trách cấp trên trực tiếp cơ sở, đến thời điểm hiện tại có 68 cán bộ chuyên trách cấp trên trực tiếp cơ sở (giảm 10). Về trình độ chuyên môn và lý luận chính trị đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đươc giao. Ủy viên Ban chấp hành, Ban Thường vụ từng bước được tinh gọn, đảm bảo chất lượng, đủ về số lượng, cơ cấu phù hợp, năm 2014, có 342 Ủy viên Ban Chấp hành, đến nay, có 271 Ủy viên giảm 71 người. Bình quân mỗi công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở có từ 12 - 15 Ủy viên Ban Chấp hành. Nhìn chung đội ngũ cán bộ luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, nhiệt tình với phong trào công nhân và hoạt động công đoàn, cơ bản đáp ứng được yêu cầu nâng cao chất lượng hoạt động của công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở trong tình hình mới.
Đổi mới nội dung và phương thức chỉ đạo của công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở, đoàn viên và người lao động: Đổi mới công tác lãnh đạo, chỉ đạo hướng về cơ sở, lấy cơ sở làm địa bàn hoạt động, lấy đoàn viên làm đối tượng vận động, cấp trên giúp đỡ cấp dưới, cấp dưới giúp đỡ đoàn viên, bám sát các chỉ tiêu, nhiệm vụ thực hiện.
Phân công cán bộ bám sát cơ sở để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc. Hàng năm 99,7% cơ quan, đơn vị tổ chức Hội nghị CBCCVC; 98,4% doanh nghiệp nhà nước và trên 76% doanh nghiệp ngoài nhà nước có tổ chức công đoàn tổ chức Hội nghị NLĐ; hoạt động đối thoại của công đoàn và NLĐ với chủ sử dụng lao động được tăng cường, hoạt động tư vấn pháp luật được tổ chức bằng nhiều hình thức phù hợp. Việc tổ chức thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể được quan tâm, trong 10 năm công đoàn tham gia đàm phán, thương lượng và thực hiện ký mới và ký lại 3.236 thỏa ước lao động tập thể tại các doanh nghiệp, đặc biệt không có thỏa ước đạt loại D; 100% doanh nghiệp có tổ chức công đoàn hỗ trợ tiền ăn ca cho CNLĐ; 100% lao động được trả lương bằng hoặc cao hơn mức lương tối thiểu vùng; bình quân hằng năm, có trên 70% NLĐ được khám sức khoẻ định kỳ; tỷ lệ CNLĐ làm việc trong các doanh nghiệp có tổ chức công đoàn tham gia BHXH đạt 87,2%. Việc tổ chức các hoạt động chăm lo lợi ích thiết thực cho đoàn viên và NLĐ được các cấp công đoàn tích cực triển khai với nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả, trong 10 năm, các cấp Công đoàn Hà Tĩnh đã tặng 132.840 suất quà trị giá gần 69,3 tỷ đồng; hỗ trợ xây dựng 1.327 nhà Mái ấm Công đoàn, trị giá 34,524 tỷ đồng...
Trao 50 triệu đồng hỗ trợ nhà đ.c Nguyễn Thị Lợi, công nhân Công ty CP Nông Lâm Hà Tĩnh
( CĐN Công Thương)
Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở kịp thời ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin, mạng xã hội để nâng cao công tác tuyên truyền, vận động trong CNVCLĐ. Đổi mới nội dung, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật Nhà nước và nhiệm vụ của tổ chức công đoàn.
Công tác phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS được các cấp công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở đặc biệt quan tâm; với phương châm “Ở đâu có CNLĐ, ở đó có công đoàn”, thành lập 413 CĐCS, kết nạp mới 40.280 đoàn viên, nâng tổng số đoàn viên từ 61.297 lên 70.264 (tăng thêm 8.967 ĐV) đã giới thiệu cho Đảng xem xét bồi dưỡng, kết nạp 13.323 đoàn viên công đoàn ưu tú.
Các phong trào thi đua yêu nước trong CNVCLĐ được triển khai sâu rộng, bám sát thực tiễn, đã có 103.222 nghiên cứu khoa học, sáng kiến kinh nghiệm, giải pháp hữu ích được thực hiện, áp dụng vào sản xuất, công tác, mang lại hiệu quả thiết thực. Công tác vận động nữ CNVCLĐ được quan tâm đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao chất lượng hoạt động Ban nữ công công đoàn các cấp; với các phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”, phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” ngày càng đi vào thực chất, có hiệu quả, góp phần khẳng định vai trò, vị trí của nữ CNVCLĐ trong công tác cũng như xây dựng gia đình hạnh phúc.
Công tác tài chính và quản lý tài chính, tài sản công đoàn thực hiện đúng quy định của pháp luật, của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, đảm bảo nguyên tắc dân chủ, công khai, minh bạch và phát huy hiệu quả, Thu đoàn phí, kinh phí công đoàn hàng năm đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Trên 97% CĐCS mở tài khoản để thực hiện cấp trả kinh phí qua tài khoản.
Hoạt động kiểm tra, giám sát tập trung cao, có nhiều đổi mới theo hướng đẩy mạnh kiểm tra cùng cấp, đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát cấp dưới nhằm chấn chỉnh kịp thời những tồn tại, sai sót, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức công đoàn trong thực hiện Điều lệ công tác quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công đoàn và việc chăm lo cho đoàn viên, người lao động, góp phần nâng cao hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo của BCH, BTV, UBKT công đoàn các cấp.
Về bố trí cán bộ và đảm bảo chính sách cán bộ: Công tác cán bộ luôn được BTV Liên đoàn Lao động tỉnh quan tâm việc thực hiện quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm; việc rà soát, sắp xếp, bố trí cán bộ phù hợp với trình độ chuyên môn, năng lực của từng đồng chí đáp ứng theo vị trí việc làm, công tác nhận xét, đánh giá xếp loại luôn được đảm bảo đúng quy trình, quy định. Thực hiện nghiêm túc việc trẻ hoá và chuẩn hoá đội ngũ cán bộ, kiện toàn và nâng cao chất lượng hoạt động của các Ban tham mưu về công tác tổ chức cán bộ, nên chất lượng đội ngũ cán bộ công đoàn ngày càng được nâng lên; đặc biệt ưu tiên bố trí cán bộ đối với công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở những nơi có số lượng đoàn viên, công nhân đông, địa bàn rộng để đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Công bố Quyết định thành lập CĐCS
Tập trung nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở: Từ 2014 đến nay, LĐLĐ tỉnh đã tổ chức 31 lớp tập huấn cho 1.763 lượt cán bộ công đoàn chuyên trách toàn tỉnh; công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở tổ chức 292 lớp tập huấn, với trên 25.800 lượt cán bộ công đoàn tham dự, về nội dung công tác Kiểm tra của Ủy ban Kiểm tra công đoàn, công tác của ban Thanh tra nhân dân, Công tác Tài chính công đoàn, Công tác Tuyên giáo - Nữ công; Công tác Tổ chức, công tác Chính sách -Pháp luật và các kỷ năng, phương pháp hoạt động của cán bộ công đoàn cơ sở với phương châm cầm tay chỉ việc. Chương trình, nội dung, phương pháp đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ tiếp tục được đổi mới theo hướng thực tiễn gồm các chuyên đề chuyên sâu theo chức năng nhiệm vụ của tổ chức công đoàn. Hàng năm có 100% cán bộ công đoàn chuyên trách được bồi dưỡng, bổ sung, cập nhật những kiến thức, quy định mới có liên quan đến công nhân viên chức, người lao động và hoạt động công đoàn.
Cơ sở vật chất và đảm bảo điều kiện hoạt động của công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở: Hiện tại, 05/13 LĐLĐ huyện có trụ sở làm việc riêng; 08 LĐLĐ huyện, thị xã, thành phố được bố trí phòng làm việc tại cơ quan khối đoàn thể của cấp huyện; 07 công đoàn ngành được bố trí phòng làm việc tại các sở, ngành. Nhìn chung cơ sở, vật chất, trang thiết bị và điều kiện làm việc cơ bản đáp ứng yêu cầu. Trong 10 đã đầu tư cải tạo, sửa chữa các trụ sở làm việc Liên đoàn Lao động các huyện: Cẩm Xuyên, Nghi Xuân, Can Lộc, Đức Thọ, Vũ Quang, Thạch Hà, Hương Sơn…
Qua triển khai thực hiện Nghị quyết 4a ngoài những kết quả đạt được, vẫn còn một số hạn chế sau: Một số công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở tổ chức thực hiện nhiệm vụ còn dàn trải, chưa tập trung vào những nhiệm vụ trọng tâm của tổ chức công đoàn; hiệu quả thực hiện chức năng đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động chưa cao; công tác xây dựng CĐCS vững mạnh còn hình thức; Một bộ phận cán bộ chuyên trách công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở còn hạn chế về năng lực chỉ đạo, hướng dẫn CĐCS hoạt động. Phương thức chỉ đạo hoạt động một số nơi còn mang tính hành chính, chưa sâu sát cơ sở, chậm nắm bắt thông tin, thiếu chủ động trong việc giải quyết những khó khăn, bức xúc của cơ sở, chưa xây dựng được kế hoạch cụ thể để khắc phục những tồn tại, hạn chế được chỉ ra sau kiểm tra, giám sát.
Để tiếp tục triển khai, thực hiện tốt các nội dung Nghị quyết 4a, nhằm xây dựng công đoàn cấp trên trực tiếp ngày một lớn mạnh, các cấp công đoàn trong tỉnh cần quan tâm một số giải pháp đó là:
- Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động hướng về cơ sở, lấy cơ sở làm địa bàn hoạt động, lấy đoàn viên làm đối tượng vận động, cấp trên giúp đỡ cấp dưới, cấp dưới giúp đỡ đoàn viên. Phân công cán bộ bám sát cơ sở để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc ngay tại cơ sở.
- Đổi mới phương pháp đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và kỹ năng, phương pháp hoạt động cho cán bộ công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở theo từng lĩnh vực chuyên môn phù hợp và đáp ứng theo từng vị trí việc làm đảm nhận.
- Tiếp tục rà soát công tác quy hoạch, bổ nhiệm và bố trí, điều động, luân chuyển cán bộ đủ về số lượng, đảm bảo tiêu chuẩn về trình độ chuyên môn, trình độ chính trị theo hướng tinh gọn bộ máy hoạt động đáp ứng yêu cầu vị trí việc làm. Bố trí, điều động, luân chuyển cán bộ trong hệ thống công đoàn tăng cường cho công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ đặt ra.
- Tạo điều kiện hỗ trợ về cơ sở vật chất đảm bảo điều kiện hoạt động đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đề ra. Ưu tiên nguồn lực tài chính tổ chức các hoạt động đem lại lợi ích thiết thực cho đoàn viên, người lao động.
- Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện Nghị quyết 4a để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc ngay tại cơ sở./.
Hôm nay : 200
Tháng này : 48217