Chiều ngày 28/11/2023, trong chuyến công tác về Thủ đô Hà Nội để tham dự Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam, Đoàn đại biểu Công đoàn Hà Tĩnh do đồng chí Nguyễn Văn Danh - Ủy viên Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Hà Tĩnh làm trưởng đoàn đã đến dâng hương tưởng niệm đồng chí Nguyễn Đức Cảnh tại Khu lưu niệm đồng chí Nguyễn Đức Cảnh ở thị trấn Diêm Điền, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình.
Đồng chí Nguyễn Văn Danh - Ủy viên Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Hà Tĩnh cùng đoàn công tác dâng hương tại Đài tưởng niệm đồng chí Nguyễn Đức Cảnh
Tại lễ dâng hương, Đoàn bày tỏ lòng thành kính, biết ơn vô hạn đối với đồng chí Nguyễn Đức Cảnh - người chiến sỹ cộng sản kiên trung, người sáng lập và trực tiếp lãnh đạo Tổng Công hội đỏ Bắc Kỳ (tiền thân của tổ chức Công đoàn Việt Nam ngày nay).
Đoàn dâng nén tâm hương, bày tỏ lòng thành kính và đời đời ghi nhớ công ơn của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh
Đồng chí Nguyễn Văn Danh, thay mặt đoàn công tác báo cáo những kết quả nổi bật mà Công đoàn Hà Tĩnh đã đạt được trong nhiệm kỳ qua và hứa trước anh linh đồng chí Nguyễn Đức Cảnh: “Thế hệ cán bộ, đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động tỉnh Hà Tĩnh nguyện noi gương và học tập những phẩm chất đạo đức cách mạng trong sáng của đồng chí, quyết tâm vượt khó, phấn đấu thực hiện hoàn thành và hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu, nhiệm vụ mà nghị quyết đại hội Đảng, công đoàn các cấp đã đề ra. Với trách nhiệm đại biểu dự Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam, Đoàn đại biểu Công đoàn Hà Tĩnh sẽ luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, đoàn kết, dân chủ, tập trung đóng góp trí tuệ, thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các nội quy, quy chế của đại hội, góp phần tích cực vào thành công của đại hội”.
Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Nguyễn Văn Danh dâng vòng hoa tại Khu lưu niệm đồng chí Nguyễn Đức Cảnh
Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh (1908-1932), sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống yêu nước tại thôn Diêm Điền, xã Thụy Hà, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình. Đồng chí tham gia phong trào yêu nước khi mới 16 tuổi. Trong quá trình hoạt động cách mạng, Nguyễn Đức Cảnh luôn nêu cao tinh thần của một chiến sỹ cộng sản trung kiên, yêu nước, thương nòi, gắn bó mật thiết với giai cấp công nhân lao động.
Ngày 28.7.1929, tại nhà số 15 phố Hàng Nón, Hà Nội, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh thay mặt Ban Chấp hành lâm thời Đông Dương Cộng sản Đảng triệu tập Đại hội thành lập Tổng Công hội đỏ Bắc Kỳ, tiền thân của tổ chức Công đoàn Việt Nam ngày nay. Đại hội đã thông qua chương trình, điều lệ của Công hội đỏ, bầu Ban Chấp hành Tổng Công hội đỏ Bắc kỳ do Nguyễn Đức Cảnh đứng đầu; quyết định xuất bản Báo Lao động và Tạp chí Công hội đỏ (nay là Tạp chí Lao động và Công đoàn) do Nguyễn Đức Cảnh trực tiếp làm chủ bút.
Cuối tháng 4/1931, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh bị địch bắt và đến tháng 7/1932 đã bị địch chém chết khi mới ngoài 24 tuổi. Đồng chí đã dành những ngày cuối cùng của mình trong xà lim để viết cuốn sách “Công nhân vận động” - đây được coi là tác phẩm đầu tiên đúc kết những kinh nghiệm thực tiễn đối chiếu với lý luận của chủ nghĩa Mác-Lênin về công tác vận động cách mạng trong giai cấp công nhân của Đảng.
Nhân dịp này, Đoàn đã có buổi gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm trong hoạt động công đoàn với Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động tỉnh Thái Bình.
Hôm nay : 2505
Tháng này : 50556