Ngày 15/6/2023, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư số 05/2023/TT-BLĐTBXH, thay thế Thông tư số 36/2017/TT-BLĐTBXH, ban hành danh mục ngành, nghề học nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm trình độ trung cấp, cao đẳng.
Thông tư số 05/2023/TT-BLĐTBXH cập nhật, bổ sung những ngành, nghề học có tính chất nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm mà trong thực tế đào tạo mới phát sinh; hoặc những công việc của ngành, nghề trong quá trình học tập, thực hành, thực tập liên quan và chịu ảnh hưởng bởi các yêu tố nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.
Theo đó, danh mục ngành nghề học nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm trình độ trung cấp, cao đẳng được bổ sung chủ yếu nằm ở các lĩnh vực nghệ thuật, khai thác khoáng sản, vận tải, điện, nông - lâm nghiệp, da giày - dệt may, vệ sinh môi trường, thương mại. Trong đó, cập nhật, bổ sung thêm nhiều ngành nghề nghệ thuật xếp vào diện nặng nhọc, độc hại. Cụ thể: Trình độ trung cấp gồm nghệ thuật biểu diễn ca kịch Huế, dân ca, diễn chèo, diễn tuồng, diễn cải lương, diễn kịch nói, diễn kịch múa, diễn viên kịch - điện ảnh, biểu diễn xiếc…Ở trình độ cao đẳng, các ngành nghề được bổ sung vào danh mục gồm giáo viên huấn luyện xiếc, nghệ thuật biểu diễn dân ca, biểu diễn xiếc, diễn viên kịch - điện ảnh, diễn viên sân khấu kịch hát, diễn viên múa, thanh nhạc, chỉ huy âm nhạc…
Thông tư số 05/2023/TT-BLĐTBXH có hiệu lực kể từ ngày 30/7/2023, áp dụng đối với các khóa học tuyển sinh và tổ chức đào tạo từ ngày Thông tư có hiệu lực thi hành.
Việc thực hiện quy định trong giáo dục nghề nghiệp đối với người học ngành, nghề học nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng các khóa tuyển sinh và tổ chức đào tạo trước thời điểm Thông tư này có hiệu lực thì tiếp tục thực hiện theo quy định của Thông tư số 36/2017/TT-BLĐTBXH cho đến khi kết thúc khóa học.
Chi tiết Danh mục ngành, nghề học nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm trình độ trung cấp, cao đẳng ban hành kèm theo Thông tư số 05/2023/TT-BLĐTBXH:
Hôm nay : 2591
Tháng này : 50615