Thực hiện Hướng dẫn số 41/HD-TLĐ ngày 11 /11/2021 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về “Công đoàn tham gia đối thoại và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc” và Nghị quyết số 02-NQ/TU ngày 12/5/2017 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (Khóa XVIII) về “Nâng cao chất lượng, hiệu quả việc thực hiện quy chế dân chủ cơ sở trong thời gian tới”, Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động tỉnh đã chỉ đạo các cấp công đoàn chủ động triển khai thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở - một trong những yếu tố quan trọng để bảo đảm môi trường làm việc an toàn, ổn định tại cơ quan, doanh nghiệp.
Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động tỉnh chỉ đạo các cấp công đoàn chủ động phối hợp chuyên môn tổ chức thực hiện quy chế dân chủ cơ sở, xem đây là điều kiện tốt nhất để thực hiện chức năng chăm lo bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động. Thực hiện Nghị định số 04/2015/NĐ-CP và Nghị định số 145/2020/NĐ-CP của Chính phủ, nhiều Liên đoàn Lao động huyện, thị xã, thành phố, công đoàn ngành: Can Lộc, Cẩm Xuyên, Lộc Hà, Đức Thọ, Hương Sơn, Hương Khê, Công đoàn Các Khu Kinh tế tỉnh…đã tham mưu cấp ủy, chính quyền ban hành văn bản chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp thực hiện quy chế dân chủ cơ sở. Trên cơ sở đó, các công đoàn cơ sở đã phối hợp với chính quyền, chuyên môn đồng cấp tổ chức hội nghị cán bộ, công chức, viên chức, hội nghị người lao động, tổ chức đối thoại tại nơi làm việc. Kết quả trên 98% các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, các tổ chức chính trị, chính trị - xã hội đã tổ chức hội nghị cán bộ công chức, viên chức, trên 75% doanh nghiệp có tổ chức công đoàn tổ chức Hội nghị người lao động.
Liên đoàn, Sở Lao động, Bảo hiểm Xã hội tỉnh phối hợp thực hiện chính sách pháp luật về Lao động xã hội, Bảo hiểm y tế giai đoạn 2022 - 2025
Để Hội nghị công nhân viên chức và hội nghị người lao động thực sự là diễn đàn thể hiện tiếng nói chung giữa đoàn viên, người lao động với chủ sử dụng lao động, ban chấp hành công đoàn cơ sở đã chủ động phối hợp với lãnh đạo cơ quan, đơn vị, giám đốc doanh nghiệp xây dựng kế hoạch, chuẩn bị nội dung hội nghị một cách thực chất. Từ việc rà soát lại các quy chế, quy định, quyết định… đã ban hành, dự kiến các nội dung cần thay đổi cho phù hợp, đến các giải pháp pháp nâng cao hiệu quả sản xuất, cải thiện điều kiện làm việc, đảm bảo các chế độ, chính sách, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động. Chính vì vậy, thông qua các hội nghị cán bộ, công chức, viên chức, hội nghị người lao động, các chế độ, chính sách, phúc lợi cho đoàn viên như: Tiền lương, tiền thưởng, bảo hộ lao động, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, chất lượng bữa ăn ca, khám sức khỏe định kỳ, công tác đảm bảo an toàn vệ sinh lao động, việc đào tạo và đào tạo lại tay nghề, nâng cao kỹ năng nghề nghiệp… ngày càng được chú trọng nâng cao (6 tháng đầu năm 2022, toàn tỉnh có 494 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho 26.954 đoàn viên, CNVCLĐ; 341 doanh nghiệp tổ chức bữa ăn ca cho người lao động với mức hỗ trợ ít nhất 18.000 đồng/người/bữa. 182 doanh nghiệp tăng tiền hỗ trợ ngày lễ tết so với năm 2021; 169 doanh nghiệp bố trí sân chơi thể thao phục vụ công nhân lao động…).
Lãnh đạo Công ty TNHH Bao bì và thiết bị y tế Quang Huy (huyện Nghi Xuân) đối thoại trực tiếp với người lao động.
Để việc thực hiện quy chế dân chủ cơ sở trở thành việc làm thường xuyên, các cấp công đoàn đã chú trọng đổi mới công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và hướng dẫn cán bộ công đoàn, đoàn viên, người lao động thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở. Trung bình mỗi năm, các cấp công đoàn toàn tỉnh tổ chức, phối hợp tổ chức trên 175 cuộc tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện quy chế dân chủ cho gần 22.000 lượt đoàn viên, người lao động. Hàng trăm tin, bài, tuyên truyền phản ánh việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ cơ sở tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đã được đăng tải, chia sẻ trên các phương tiện thông tin đại chúng (Báo Lao động, Tạp chí Lao động và Công đoàn, Báo Hà Tĩnh, Đài Phát thanh - Truyền hình Hà Tĩnh… và trên trang mạng xã hội Website, Facebook, Zalo Công đoàn Hà Tĩnh…). Trong đó khẳng định rõ vai trò tham gia của tổ chức công đoàn trong thực hiện dân chủ cơ sở, tạo sức lan tỏa sâu rộng trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và đoàn viên, người lao động.
Nhằm bảo đảm để các nội dung quy chế dân chủ cơ sở được thực thi, Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động tỉnh đã phát huy chức năng tham gia quản lý Nhà nước, phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan kiểm tra, giám sát, nắm bắt tình hình đời sống, việc làm, việc thực hiện các chế độ, chính sách cho người lao động và tình hình thực hiện QCDC tại nơi làm việc; phát hiện những cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp chưa thực hiện hoặc thực hiện chưa đầy đủ quy chế dân chủ cơ sở, góp phần điều chỉnh, xây dựng mối quan hệ hài hòa, ổn định, tiến bộ trong cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Bên cạnh đó, thông qua hoạt động kiểm tra, giám sát, tổ chức công đoàn đã tư vấn, hướng dẫn người lao động và người sử dụng lao động hưởng các quyền lợi, điển hình như các chính sách theo Nghị quyết 68/NQ-CP, Nghị quyết 126/NQ-CP và Nghị quyết 116/NQ-CP, Quyết định 08/QĐ-TTg. Đến thời điểm hiện nay, đã có 103.394 lượt người được thụ hưởng chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 116 với tổng số tiền 158 tỷ đồng; 54.018 lượt người được thụ hưởng chính sách theo Nghị quyết 68, Nghị quyết 126 với tổng số tiền 28,466 tỷ đồng; 1.314 người lao động được hỗ trợ tiền thuê nhà theo Quyết định 08/2022/QĐ-TTg với số tiền 1.995.5000 đồng (trong đó có 38 doanh nghiệp có tổ chức Công đoàn với 1.166 người lao động được hỗ trợ với số tiền 1.712.500.000 đồng)...
Hội nghị Người lao động tại Công ty TNHH May mặc và Xuất khẩu Appareltech Hà Tĩnh
Dưới sự chỉ đạo, hướng dẫn của Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động tỉnh, các công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở và công đoàn cơ sở đã tập trung đẩy mạnh các hoạt động đối thoại giữa cấp ủy, chính quyền, chủ sử dụng lao động với đoàn viên, công nhân lao động. Số doanh nghiệp có tổ chức công đoàn tổ chức đối thoại tại nơi làm việc hàng năm đạt tỷ lệ trên 80%. Từ đó, hầu hết doanh nghiệp đã tạo mọi điều kiện bảo đảm cho việc đối thoại tại nơi làm việc đúng quy định, giảm nguy cơ xảy ra tranh chấp lao động, tạo lập các mối quan hệ lao động thân thiện, hài hòa, ổn định và tiến bộ. Đến nay, có 100% doanh nghiệp nhà nước và trên 85% doanh nghiệp ngoài nhà nước có tổ chức công đoàn ký kết Thỏa ước lao động tập thể (TƯLĐTT). Nội dung, chất lượng các bản TƯLĐTT đã có nhiều điều khoản có lợi hơn cho người lao động so với quy định của pháp luật, nhất là những vấn đề liên quan đến đời sống, việc làm, thu nhập, chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, ốm đau, thai sản, tai nạn lao động…Từ đó, phúc lợi ngày một tốt hơn cho người lao động. Việc thực hiện nội dung thỏa ước lao động tập thể được các doanh nghiệp quan tâm thực hiện, được tập thể người lao động đồng tình, tin tưởng vào người sử dụng lao động, tạo sự đoàn kết, gắn bó, yên tâm lao động sản xuất xây dựng doanh nghiệp phát triển. Bên cạnh đó, khi có những vụ việc về tranh chấp lao động xảy ra, Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động tỉnh đã chủ động chỉ đạo công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở, công đoàn cơ sở vào cuộc kịp thời, tổ chức đối thoại giữa chủ doanh nghiệp với công nhân lao động để giải quyết những vấn đề bất cập; kịp thời điều chỉnh các chế độ, chính sách phù hợp cho người lao động, giải quyết thấu đáo, hài hòa quan hệ lao động trên cơ sở quy định của pháp luật. Chính nhờ vậy, một số vụ việc liên quan đến tranh chấp lao động xảy ra tại Công ty TNHH Gang thép hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh, Công ty TNHH may mặc xuất khẩu Appareltech Hà Tĩnh, Công ty TNHH Haivina Hồng Lĩnh, Công ty TNHH MTV Mai Linh Hà Tĩnh, Công ty Cổ phần Cấp nước Hà Tĩnh…đã được kịp thời giải quyết, giúp doanh nghiệp sớm ổn định việc làm, người lao động yên tâm công tác, gắn bó với doanh nghiệp. Việc thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở đã phát huy tinh thần sáng tạo của người lao động, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đoàn viên, người lao động, xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ, hướng tới mục tiêu xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp phát triển bền vững. Nhờ việc phối hợp tổ chức thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở, tổ chức Công đoàn ngày càng phát huy chức năng, nhiệm vụ của mình, đặc biệt là chức năng tham gia quản lý Nhà nước, chức năng đại diện, chăm lo bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động. Với phương châm: “Ở đâu có tổ chức Công đoàn, ở đó dân chủ cơ sở được phát huy”, Tổ chức Công đoàn đã thực sự là cầu nối giữa Đảng, chính quyền, chuyên môn với người lao động, là chỗ dựa tin cậy để người lao động vươn lên làm chủ cuộc sống, làm chủ công việc, góp phần quan trọng vào nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội, xây dựng tỉnh nhà ngày càng giàu mạnh.
Hôm nay : 130
Tháng này : 15865