Đối thoại tại nơi làm việc là hoạt động quan trọng nhằm giải quyết các vấn đề người lao động quan tâm, mang lại lợi ích thiết thực cho đoàn viên, người lao động và góp phần tạo nên sức mạnh của tổ chức công đoàn. Thông qua đối thoại, nhằm cải thiện điều kiện làm việc, đảm bảo việc làm, nâng cao thu nhập, đời sống tinh thần của người lao động.
Trong những năm qua, các cấp Công đoàn Hà Tĩnh đã phát huy vai trò của tổ chức Công đoàn, đặc biệt là của công đoàn cấp trên cơ sở trong việc hỗ trợ, đồng hành, hướng dẫn CĐCS, tạo nên sự chuyển biến mạnh mẽ về chất và lượng trong công tác đối thoại tại doanh nghiệp. Việc tăng cường vai trò của cơ chế 3 bên (tổ chức Công đoàn, người sử dụng lao động và cơ quan quản lý nhà nước) trên thực tế đã mang lại quyền lợi tốt hơn cho số đông đoàn viên, người lao động, góp phần thực hiện hiệu quả nhiệm vụ đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động mà tổ chức Công đoàn đã và đang hướng tới.
Công nhân lao động kiến nghị đề xuất tại Hội nghị đối thoại giữa lãnh đạo thị xã Hồng Lĩnh và CNLĐ, doanh nghiệp
Đối thoại nhằm xây dựng quan hệ lao động tại doanh nghiệp
Xác định rõ vai trò của công tác đối thoại tại nơi làm việc trong xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp, Liên đoàn Lao động tỉnh thường xuyên quan tâm chỉ đạo các cấp công đoàn phối hợp chuyên môn tổ chức Hội nghị người lao động gắn với tổ chức đối thoại tại nơi làm việc; hàng năm cụ thể hóa nhiệm vụ của tổ chức công đoàn bằng các chỉ tiêu cụ thể, trong đó có các chỉ tiêu về tổ chức đối thoại tại nơi làm việc, phối hợp thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở (QCDCCS), tổ chức Hội nghị Người lao động (NLĐ); chỉ đạo các cấp công đoàn thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định, ý nghĩa, vai trò của đối thoại tới NLĐ, người sử dụng lao động, đa dạng hóa các hình thức đối thoại phù hợp với điều kiện của từng doanh nghiệp.
Dưới sự chỉ đạo của Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động tỉnh, các công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở đã chủ động tham mưu, ký kết chương trình phối hợp với chính quyền, chuyên môn đồng cấp để hướng dẫn thực hiện quy chế dân chủ, tổ chức Hội nghị NLĐ và đối thoại; định kỳ tổ chức đối thoại giữa chính quyền với người lao động, tổ chức công đoàn và doanh nghiệp trên địa bàn. Tháng Công nhân năm 2021 có 12 công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở tổ chức đối thoại với người lao động (trong đó có 10 đơn vị phối hợp cùng chính quyền, chuyên môn tổ chức). Sáu tháng đầu năm 2021, có 332 Doanh nghiệp có tổ chức công đoàn xây dựng QCDCCS, tổ chức Hội nghị NLĐ và 330 doanh nghiệp tổ chức đối thoại tại nơi làm việc; chiếm trên 80% tổng số doanh nghiệp có tổ chức công đoàn.
Công đoàn các Khu kinh tế tỉnh phối hợp tổ chức Hội nghị tuyên truyền, phổ biến, đối thoại pháp luật lao động cho Doanh nghiệp, cán bộ công đoàn và công nhân lao động thuộc Khu kinh tế Vũng Áng.
Đồng chí Nguyễn Đức Thạch, Chủ tịch CĐ các Khu kinh tế tỉnh chia sẻ: “Việc thực hiện tốt cơ chế ba bên, với sự vào cuộc của cơ quan quản lý nhà nước trong công tác đối thoại mang lại hiệu quả thực chất, mọi phản ánh của người lao động được cơ quan quản lý nhà nước, người sử dụng lao động giải quyết trực tiếp, từ đó người lao động có thể đưa ra nhiều kiến nghị, đề xuất nhằm bảo đảm đời sống việc làm, các chế độ chính sách liên quan”.
Công đoàn cơ sở trong các doanh nghiệp phối hợp chặt chẽ với người sử dụng lao động tổ chức Hội nghị NLĐ, đối thoại đột xuất, định kỳ. Để thực hiện thuận lợi, hiệu quả, các doanh nghiệp đã linh hoạt lựa chọn hình thức đối thoại phù hợp: Đối thoại định kỳ giữa NSDLĐ và đại diện CĐCS; giữa NSDLĐ và NLĐ; hàng tuần giữa đại diện công đoàn cơ sở và đại diện các bộ phận sản xuất tại các cuộc họp giao ban; gặp gỡ trao đổi trực tiếp giữa người quản lý sản xuất và công nhân trước hoặc sau ca làm việc, hoặc tranh thủ giờ giải lao; gặp gỡ giữa công đoàn và công nhân; gặp gỡ trong quá trình thương lượng ký kết thỏa ước lao động tập thể; xây dựng hòm thư góp ý và các ý kiến góp ý được trả lời trong thời gian ngắn; thông qua tờ tin hoặc hệ thống thông tin nội bộ.
Thực tế cho thấy, sau đối thoại điều kiện làm việc được cải thiện, quyền lợi của đoàn viên đã thực sự được quan tâm hơn: Gần đây nhất, ngày 30/6/2021 tại cuộc đối thoại trực tiếp giữa lãnh đạo công ty với công đoàn cơ sở và người lao động của công ty TNHH Haivina Hồng Lĩnh, CNLĐ đã đề xuất lắp đặt hệ thống quạt, thiết bị làm mát khi làm việc vì thời tiết quá nắng nóng, ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng làm việc của CNLĐ. Ngay sau buổi đối thoại, công ty đã triển khai lắp đặt hệ thống làm mát, phun sương tại 03 nhà xưởng trị giá 4 tỷ đồng.
Đối thoại định kỳ tại Công ty TNHH Haivina Hồng Lĩnh.
Chị Trần Thị Hương Giang, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty TNHH Haivina Hồng Lĩnh cho biết: “Thực hiện tốt công tác đối thoại nhằm nâng cao vị thế của tổ chức công đoàn trong các doanh nghiệp, qua đó quyền lợi, chế độ chính sách, việc làm, đời sống của người lao động được đảm bảo, họ đặt sự tin tưởng vào tổ chức công đoàn, người sử dụng lao động và gắn bó với lâu dài với doanh nghiệp”.
Đẩy mạnh công tác đối thoại trong tình hình mới
Năm 2020, 2021 các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn do thiên tai, bão lũ, đặc biệt là ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 nên tình hình đời sống, việc làm của người lao động chịu ảnh hưởng nghiêm trọng. Hoạt động công đoàn trong thời gian tới sẽ đứng trước những thuận lợi và thách thức mới, quan hệ lao động tiếp tục phát triển, mở rộng và có những vấn đề phát sinh phức tạp. Các cam kết về thương lượng tập thể và quyền công đoàn sẽ làm cho tranh chấp lao động có xu hướng tăng cả về quy mô và tính chất phức tạp, gây khó khăn cho việc thúc đẩy quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ. Đồng thời, thách thức về nguy cơ sự hình thành tổ chức đại diện cho người lao động khác cũng đòi hỏi tổ chức công đoàn phải không ngừng đổi mới nội dung và phương thức hoạt động phù hợp của yêu cầu tình hình mới.
Đồng chí Lê Văn Chí, Trưởng Ban CS-PL LĐLĐ tỉnh tuyên truyền, tư vấn pháp luật về đối thoại cho người lao động.
Trước tình hình đó, công đoàn các cấp cần đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước về thực hiện quy chế dân chủ cơ sở, đối thoại tại nơi làm việc. Bên cạnh đó, nâng cao hiệu quả hoạt động tư vấn pháp luật của tổ chức công đoàn, thường xuyên cử cán bộ chuyên trách công đoàn “bám” doanh nghiệp để hướng dẫn, tư vấn, hỗ trợ cán bộ công đoàn cơ sở về tổ chức đối thoại tại nơi làm việc. Phát huy vai trò của tổ chức công đoàn trong việc tham gia đối thoại để cùng với giám đốc doanh nghiệp giải quyết các vấn đề về việc làm, tiền lương, chế độ chính sách,... cho người lao động; chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ công đoàn cơ sở trong doanh nghiệp về thương lượng tập thể, nâng cao chất lượng TƯLĐTT, đưa nhiều chế độ, chính sách của công nhân lao động có lợi hơn so với quy định của pháp luật vào TƯLĐTT…coi đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng của tổ chức công đoàn trong tình hình mới.
Đồng chí Ngô Đình Vân - Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh cho biết: “Thời gian qua, các cấp công đoàn Hà Tĩnh đã thực hiện tốt công tác đối thoại trong doanh nghiệp, kết quả đến nay phần lớn người sử dụng lao động đã quan tâm tới công tác đối thoại, phối hợp với tổ chức công đoàn thực hiện các hình thức đối thoại phù hợp với tình hình hoạt động của doanh nghiệp; người lao động nhận thức được tác dụng của đối thoại cũng như xác định đối thoại vừa là quyền, vừa là trách nhiệm và đã tích cực tham gia. Thời gian tới, tổ chức Công đoàn Hà Tĩnh sẽ tiếp tục đổi mới phương thức hoạt động, đẩy mạnh công tác đối thoại trong doanh nghiệp để xây dựng quan hệ lao động, hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp”.
Hôm nay : 1711
Tháng này : 19246