Bám sát Quyết định số 217-QĐ/TW ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị về việc ban hành Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội; Hướng dẫn số 726/HD-TLĐ, ngày 02/06/2014 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về Hướng dẫn Công đoàn thực hiện giám sát và phản biện xã hội, Liên đoàn Lao động tỉnh Hà Tĩnh luôn quan tâm chỉ đạo các cấp công đoàn và tổ chức thực hiện với nhiều cách thức khác nhau.
Hàng năm, các cấp công đoàn đã phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước kiểm tra việc chấp hành pháp luật lao động, công đoàn, BHXH tại các doanh nghiệp trên địa bàn, cụ thể như: việc thực hiện các chế độ, chính sách về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, chế độ tiền lương, định mức lao động, hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể, công tác an toàn vệ sinh lao động, chế độ chính sách đối với lao động nữ… Năm 2015, LĐLĐ tỉnh đã phối hợp với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Bảo hiểm xã hội tỉnh kiểm tra việc chấp hành pháp luật lao động, công đoàn, BHXH tại 26 đơn vị, thu 128,6 triệu đồng/192 triệu đồng nợ BHXH, BHYT, BHTN; tham gia đoàn kiểm tra liên ngành tiến hành kiểm tra tại 21 doanh nghiệp, hợp tác xã khai thác và chế biến đá trên địa bàn tỉnh, đề nghị xử phạt 206 lỗi vi phạm trong việc không ký kết hợp đồng lao động, đóng nộp BHXH, BHYT, BHTN, không huấn luyện an toàn lao động, không trang bị bảo hộ lao động... thu 2,981 tỷ đồng/3,338 tỷ đồng nợ BHXH, BHYT, BHTN; phối hợp làm việc với 41 đơn vị, doanh nghiệp có số nợ BHXH lớn, thời gian nợ trên 03 tháng. Sau cuộc làm việc, đã có 07 đơn vị, doanh nghiệp đã đóng nộp BHXH với số tiền 377,9 triệu đồng/1,75 tỷ đồng nợ BHXH, BHYT (đạt 22%).
Công đoàn tổ chức đối thoại với doanh nghiệp về chính sách nông nghiệp, nông dân, NTM
Qua hoạt động kiểm tra, giám sát, các cấp công đoàn đã nắm đời sống, việc làm, tình hình thực hiện các chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật lao động đối với người lao động, từ đó có ý kiến tới các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp có biện pháp thực hiện ngày càng tốt hơn chế độ chính sách cho người lao động.
Các cấp công đoàn thực hiện chức năng giám sát thông qua việc phối hợp chỉ đạo thực hiện quy chế dân chủ cơ sở, tổ chức hội nghị cán bộ, công chức, viên chức, hội nghị người lao động. Thông qua việc thực hiện quy chế dân chủ cơ sở, người lao động được tham gia ý kiến vào việc xây dựng các nội quy, quy chế của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp; được biết về việc trích lập, sử dụng các quỹ; quy trình tuyển dụng, đề bạt, bổ nhiệm, đánh giá phân loại cán bộ, công chức, viên chức; việc thực hiện các quy định về nâng bậc lương, nâng ngạch, khen thưởng, kỷ luật, đào tạo, bồi dưỡng. Tổ chức công đoàn tập trung hướng dẫn, vận động CNVCLĐ tham gia đóng góp ý kiến xây dựng và thực hiện nội quy, quy chế trong cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Từ đó công nhân, viên chức, lao động ngày càng ý thức hơn về trách nhiệm, quyền lợi, nghĩa vụ của mình trong việc thực hiện quy chế dân chủ và các nội quy, quy chế của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.
Việc tổ chức hội nghị cán bộ, công chức, viên chức, hội nghị người lao động ngày càng đi vào nề nếp, tỷ lệ tổ chức hội nghị dân chủ cơ sở năm sau cao hơn năm trước. Năm 2015 có 1.374/1.378 cơ quan, đơn vị HCSN tổ chức Hội nghị cán bộ công chức đạt tỷ lệ 99,6% (tăng 0,1% so với năm 2014); 12/12 doanh nghiệp nhà nước tổ chức Hội nghị người lao động đạt tỷ lệ 100%; 190/248 doanh nghiệp tổ chức hội nghị người lao động đạt tỷ lệ 76,6%, (tăng 12,6% so với năm 2014).
Ngoài ra, công đoàn thực hiện chức năng giám sát thông qua hoạt động của Văn phòng Tư vấn pháp luật. Hàng năm, Văn phòng tư vấn pháp luật đã nhận được hàng chục đơn thư khiếu nại và hàng trăm cuộc điện thoại, email đề nghị hỗ trợ tư vấn về việc thực hiện các chế độ chính sách liên quan đến CNVCLĐ. Thông qua hoạt động tư vấn pháp luật đã giúp tổ chức công đoàn nắm bắt tâm tư nguyện vọng của đoàn viên, CNVCLĐ và tình hình thực hiện chế độ chính sách cho CNVCLĐ ở các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Ở đâu phát sinh những tranh chấp lao động phức tạp, LĐLĐ tỉnh đến làm việc với các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp bàn phương án giải quyết nhằm hạn chế tối đa tình trạng tranh chấp lao động, đình công bất hợp pháp.
LĐLĐ tỉnh tổ chức đối thoại tại Công ty Cổ phần Dược Hà Tĩnh
Đối với các hoạt động phản biện xã hội, LĐLĐ tỉnh tổ chức cho đoàn viên, CNVCLĐ tham gia ý kiến vào các dự thảo luật như: Bộ luật Lao động, Luật Công đoàn, Luật BHXH, Bộ luật Dân sự, Luật Hình sự, Luật An toàn vệ sinh lao động...; các văn bản dự thảo của tỉnh và các cơ quan, ban, ngành về tổ chức triển khai thực hiện đường lối chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Các ý kiến tham gia của các cấp công đoàn luôn sát với thực tiễn và được các cấp, các ngành tiếp thu bổ sung, sửa đổi.
Thực hiện chỉ đạo của Ban Dân vận Tỉnh ủy, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh về “Phản biện việc sửa đổi, bổ sung các chính sách của tỉnh về phát triển nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011 - 2015”, Liên đoàn Lao động tỉnh đã tập trung chỉ đạo, ban hành các văn bản hướng dẫn các Công đoàn ngành, Liên đoàn Lao động huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện; trực tiếp đến phỏng vấn, trao đổi, đối thoại, lấy ý kiến của một số đối tượng được thụ hưởng các chính sách của tỉnh về nông nghiệp, nông thôn, xây dựng nông thôn mới. Từ các ý kiến đóng góp của công đoàn các cấp, các đối tượng thụ hưởng, LĐLĐ tỉnh đã chủ trì tổ chức Hội thảo phản biện sửa đổi các chính sách của tỉnh về nông nghiệp, nông dân, nông thôn mới. Tại cuộc Hội thảo, đã đánh giá, làm rõ những tác động tích cực từ các chính sách cũng như những hạn chế, tồn tại, những nội dung chính sách chưa đi vào đời sống thực tiễn, cần phải hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung, đồng thời đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các Sở, ban, ngành liên quan tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách đến tận người dân, doanh nghiệp.
LĐLĐ tỉnh tổ chức Hội thảo phản biện sửa đổi các chính sách của tỉnh về nông nghiệp, nông dân, NTM
Có thể khẳng định, hoạt động giám sát, phản biện xã hội của các cấp công đoàn Hà Tĩnh trong thời gian qua đã mang lại hiệu quả thiết thực trong việc góp phần làm cho các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp thực hiện ngày càng tốt hơn chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; quy chế dân chủ ở cơ sở; các chế độ chính sách đối với công nhân, viên chức, lao động. Qua giám sát, phản biện xã hội, các cấp công đoàn đã phản ánh được tâm tư, nguyện vọng, đời sống, lao động, việc làm của CNVCLĐ và thực tế hoạt động, sản xuất kinh doanh của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp tới các cấp, các ngành để từ đó có sự chỉ đạo đối với các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp không ngừng thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, các chế độ chính sách của CNVCLĐ, đồng thời điều chỉnh, bổ sung kịp thời các chính sách, chương trình, kế hoạch sát với thực tiễn đời sống xã hội, bảo đảm cho các tập thể, cá nhân hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, CNVCLĐ, tạo điều kiện cho các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp không ngừng phát triển.