7 tháng đầu năm 2022, trong bối cảnh vừa đảm bảo công tác phòng, chống dịch, vừa khôi phục kinh tế - xã hội, các cấp Công đoàn Hà Tĩnh đã tập trung đẩy mạnh công tác chăm lo, đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng cho đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ), cùng doanh nghiệp và người lao động thích ứng trạng thái “bình thường mới”.
Đồng hành cùng doanh nghiệp và người lao động khôi phục sản xuất, kinh doanh
7 tháng đầu năm 2022, là thời điểm các cơ sở sản xuất kinh doanh, hoạt động công nghiệp, xây dựng thương mại và dịch vụ bắt đầu trở lại “guồng quay”, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh theo chủ trương “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch COVID-19” của Chính phủ. Đây chính là thời điểm doanh nghiệp rất cần đến sự đồng hành của người lao động để phục hồi, phát triển kinh tế. Dưới sự chỉ đạo của Liên đoàn Lao động tỉnh, các cấp công đoàn Hà Tĩnh đã tích cực, chủ động tham gia, đồng hành cùng doanh nghiệp khởi động các kế hoạch đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, nâng cao nhu cầu sử dụng lao động, có nhiều giải pháp tích cực trong tổ chức sản xuất, đảm bảo việc làm, thu nhập, ổn định đời sống cho người lao động.... Các cấp Công đoàn phối hợp với doanh nghiệp xây dựng các phương án tổ chức sản xuất an toàn, thích ứng linh hoạt, hỗ trợ thực hiện thủ tục thụ hưởng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, vận động người lao động tích cực thi đua lao động sản xuất giỏi để đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn, tiếp tục phát huy hiệu quả hoạt động của các Tổ Covid Công đoàn,... từ đó đã tạo được sự tin tưởng, đồng cảm trong người lao động và doanh nghiệp, đóng góp vào kết quả phục hồi kinh tế tích cực của tỉnh nhà.
Các cấp công đoàn Hà Tĩnh tăng cường làm việc với doanh nghiệp nắm tình hình sản xuất kinh doanh, việc làm đời sống của người lao động
Phát huy vai trò đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động, tập trung hoạt động đối thoại với người lao động
Xác định công tác chăm lo, đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho đoàn viên, người lao động là nhiệm vụ trọng tâm, cốt lõi của tổ chức Công đoàn, Liên đoàn Lao động tỉnh đã chỉ đạo các cấp công đoàn phát huy vai trò quan trọng này. Đặc biệt công tác đối thoại với cấp ủy, chính quyền đồng cấp, đối thoại tại nơi làm việc được chú trọng hàng đầu. Các cấp công đoàn đã phối hợp tổ chức nhiều hình thức như “Đối thoại Tháng 5”, đối thoại trực tiếp với người sử dụng lao động, tổ chức diễn đàn “Nghe công nhân nói - Nói công nhân nghe”, “Lắng nghe - Thấu hiểu - Chia sẻ”,... Thông qua các cuộc đối thoại, đoàn viên, CNVCLĐ được bày tỏ tâm tư, nguyện vọng; 100% ý kiến được giải đáp, nhiều vấn đề quan tâm, bức xúc của NLĐ như việc nâng lương định kỳ, đóng nộp BHXH, BHYT, chế độ làm ngoài giờ, chế độ hỗ trợ trong môi trường làm việc nặng nhọc, độc hại, điều kiện làm việc,... được quan tâm giải quyết. Từ đó người sử dụng lao động và tổ chức công đoàn đã nắm bắt được diễn biến, tình hình tư tưởng, giúp cho việc giải quyết những kiến nghị, những vấn đề liên quan đến quyền và nghĩa vụ của đoàn viên, CNVCLĐ được thỏa đáng, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp. Bên cạnh đó, công đoàn trong doanh nghiệp cùng người sử dụng lao động đã ký mới 24 bản TƯLĐTT, sửa đổi, ký lại 24 bản TƯLĐTT, nâng tổng số TƯLĐTT hiện có lên 373 đơn vị (chiếm 89 % tổng số DN có tổ chức công đoàn).
Các cấp Công đoàn phối hợp tổ chức đối thoại với cấp ủy, chính quyền và người sử dụng lao động
Thực hiện tốt công tác đối thoại, ký kết, sửa đổi Thỏa ước lao động tập thể đã mang lại nhiều lợi ích hơn cho người lao động như nâng mức hỗ trợ tiền ăn ca, tăng thời gian nghỉ giữa giờ làm việc, tăng phụ cấp, cải thiện cơ sở vật chất, điều kiện làm việc cho người lao động,.... Có 341 doanh nghiệp có tổ chức công đoàn tổ chức bữa ăn ca cho người lao động, trong đó có 282 CĐCS đề xuất nâng mức hỗ trợ tiền ăn ca cho người lao động lên mức 18.000 hoặc 22.000 đồng/người/bữa (đối với doanh nghiệp thuê đơn vị cung cấp suất ăn) theo Kết luận 03/KL-TLĐ của Tổng LĐLĐ Việt Nam.
Bên cạnh đó, xác định công tác tuyên truyền, tư vấn, hỗ trợ pháp luật đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao kiến thức, giúp cho người lao động nắm vững quyền, lợi ích hợp pháp của mình, 7 tháng đầu năm 2022, các cấp công đoàn Hà Tĩnh đã tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, tư vấn pháp luật cho 19.550 lượt đoàn viên, người lao động bằng nhiều hình thức như trực tiếp, gián tiếp qua Website, Facebook, zalo, điện thoại, truyền thông pháp luật lưu động với đông đảo đoàn viên, công nhân lao động tham gia. Các cấp công đoàn tham gia hướng dẫn, tư vấn, hỗ trợ 10.027 người lao động bị nhiễm Covid-19 làm hồ sơ hưởng chế độ ốm đau theo Luật Bảo hiểm xã hội 2014 với số tiền trên 10 tỷ đồng. Dưới sự chỉ đạo của Liên đoàn Lao động tỉnh, các cấp công đoàn tích cực tuyên truyền, hướng dẫn doanh nghiệp và người lao động làm hồ sơ đề nghị thụ hưởng chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động của Chính phủ, đến nay đã có 20 doanh nghiệp với 299 người lao động được Sở Lao động Thương binh và Xã hội thẩm định hồ sơ đủ điều kiện hỗ trợ với số tiền gần 450 triệu đồng.
Chương trình Truyền thông pháp luật lưu động tại Công ty TNHH may mặc xuất khẩu Appareltech Hà Tĩnh thu hút đông đảo đoàn viên tham gia
Liên đoàn Lao động tỉnh chỉ đạo Liên đoàn Lao động Thị xã Hồng Lĩnh, Liên đoàn Lao động huyện Đức Thọ tham gia giải quyết ngừng việc tập thể tại Công ty TNHH Haivina Hồng Lĩnh và Công ty May mặc xuất khẩu Appareltech Đức Thọ liên quan đến một số chế độ chính sách còn thấp như tiền lương, phụ cấp, phúc lợi, ăn ca, điều kiện làm việc của công ty chưa đảm bảo,... Cán bộ Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở đã trực tiếp hướng dẫn, tư vấn, hỗ trợ công đoàn cơ sở 02 doanh nghiệp trên tham gia giải quyết kiến nghị của người lao động. Kết quả sau khi công đoàn tổ chức đối thoại, người sử dụng lao động đồng ý tăng thêm 5% lương cơ bản; tăng các khoản phụ cấp nặng nhọc độc hại, chuyên cần, hỗ trợ xăng xe, cải thiện chất lượng bữa ăn ca; cải thiện điều kiện làm việc, bảo đảm vệ sinh nơi làm việc nên được người lao động đồng tình và thống nhất cao, vui vẻ, phấn khởi trở lại làm việc bình thường, doanh nghiệp ổn định, tiếp tục sản xuất, kinh doanh, đảm bảo trật tự xã hội.
Chăm lo đời sống cho đoàn viên, người lao động, đặc biệt sau ảnh hưởng dịch Covid-19
Sau gần 2 năm chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch Covid-19, các doanh nghiệp đã trở lại hoạt động bình thường, từng bước khôi phục lại hoạt động sản xuất kinh doanh và đạt được những kết quả bước đầu. Tuy nhiên, đời sống của đoàn viên, CNVCLĐ vẫn còn nhiều khó khăn sau ảnh hưởng của dịch, nhất là người lao động làm việc trong các ngành dịch vụ vận tải, lưu trú, du lịch, giáo dục tư thục,... Trước tình hình đó, 7 tháng đầu năm 2022, các cấp công đoàn đã đẩy mạnh công tác quan tâm chăm lo đời sống cho đoàn viên, người lao động, thăm hỏi, hỗ trợ đoàn viên, CNVCLĐ có hoàn cảnh khó khăn; quan tâm thực hiện các Chương trình phúc lợi đã ký kết để đoàn viên, CNVCLĐ được hưởng các dịch vụ tốt, sản phẩm giá rẻ, đảm bảo chất lượng...; đẩy mạnh thực hiện Chương trình MÂCĐ, hỗ trợ đoàn viên, CNVCLĐ nghèo vay vốn phát triển sản xuất.
LĐLĐ tỉnh trao hỗ trợ nhà Mái ấm Công đoàn cho đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn
7 tháng đầu năm 2022, LĐLĐ tỉnh đã trao hỗ trợ làm mới, sửa chữa 98 nhà “Mái ấm Công đoàn” với số tiền 2,665 tỷ đồng; các cấp công đoàn thăm hỏi, trợ cấp cho hơn 27.000 lượt đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn, với số tiền trên 14 tỷ đồng. Đặc biệt các cấp Công đoàn đã kêu gọi được nguồn xã hội hóa từ các doanh nghiệp, nhà hảo tâm trên địa bàn tặng quà cho đoàn viên, công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn. Công đoàn Giáo dục tỉnh đã vận động, kêu gọi các nguồn hỗ trợ xây dựng 04 nhà nội trú cho cán bộ giáo viên miền núi khó khăn với số tiền 7,1 tỷ đồng.
Đoàn viên Công đoàn Công ty CP may Five Star Hà Tĩnh nhận quà từ Chương trình phúc lợi đoàn viên
Các cấp Công đoàn đã ký kết 33 chương trình phúc lợi với các nội dung hỗ trợ kinh phí khám sức khỏe, hỗ trợ mở tài khoản ở ngân hàng, giảm giá khi mua sản phẩm điện tử, đồ gia dụng, giảm giá các dịch vụ internet, dịch vụ bưu chính viễn thông, bảo hiểm ô tô, xe máy,... đã mang lại những lợi ích thiết thực cho 22.457 lượt đoàn viên với số tiền với các nội dung hỗ trợ kinh phí khám sức khỏe, hỗ trợ mở tài khoản ở ngân hàng, giảm giá khi mua sản phẩm điện tử, đồ gia dụng, giảm giá các dịch vụ internet, dịch vụ bưu chính viễn thông, bảo hiểm ô tô, xe máy,..., khoảng 6,67 tỷ đồng. Bên cạnh đó, có 494 CĐCS đề xuất, phối hợp chuyên môn, người sử dụng lao động tổ chức khám sức khỏe cho 26.954 đoàn viên, CNVCLĐ; 1.089 CĐCS tổ chức các hoạt động “Cảm ơn người lao động” như bữa cơm, gặp mặt tri ân, tổ chức du lịch,...
Những việc làm thiết thực hướng về đoàn viên, người lao động được tổ chức Công đoàn Hà Tĩnh tập trung thực hiện trong thời gian qua, giúp người lao động yên tâm công tác, tích cực thi đua lao động sản xuất, kinh doanh, gắn bó với cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Thời gian tới, cấp công đoàn Hà Tĩnh sẽ tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, hướng về cơ sở bằng những việc làm hiệu quả, thực sự xứng đáng là điểm tựa tin cậy của người lao động.
Hôm nay : 614
Tháng này : 52626