Tháng 7/2023, nhiều chính sách liên quan đến lao động, tiền lương, công chức, tinh giản biên chế… sẽ có hiệu lực. Ban Chính sách – Pháp luật Liên đoàn Lao động tỉnh Hà Tĩnh tổng hợp một số chính sách để đoàn viên, người lao động được biết.
Ngày 14/5/2023, Chính phủ ban hành Nghị định số 24/2023/NĐ-CP quy định mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang. Theo đó, từ ngày 01/7/2023, áp dụng mức lương cơ sở 1,8 triệu đồng/tháng đối với 9 nhóm đối tượng. Đây là mức lương được dùng để xác định bảng lương, mức phụ cấp và các chế độ khác của cán bộ, công chức, viên chức và những người hưởng lương, phụ cấp cùng người lao động làm việc trong cơ quan, tổ chức, đơn vị sự nghiệp của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội và hội được ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí hoạt động.
Ngày 26/6/2023 vừa qua, Bộ Nội vụ cũng đã ban hành Thông tư 10/2023/TT-BNV hướng dẫn thực hiện mức lương cơ sở đối với các đối tượng hưởng lương, phụ cấp trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức chính trị - xã hội và hội.
Ngày 03/6/2023, Chính phủ ban hành Nghị định số 29/2023/NĐ-CP quy định về tinh giản biên chế và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/7/2023. Trong đó có những điểm mới về tinh giản biên chế như sau:
- Bổ sung nhiều đối tượng thuộc diện tinh giản biên chế như sau: (1) Dôi dư do sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã theo quyết định của cấp có thẩm quyền; (2) Dôi dư do cơ cấu lại cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm, nhưng không thể bố trí, sắp xếp được việc làm khác hoặc bố trí được việc làm khác nhưng cá nhân tự nguyện tinh giản biên chế và được cơ quan, tổ chức, đơn vị trực tiếp quản lý đồng ý (Trước đây, dôi dư do cơ cấu lại cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm, nhưng không thể bố trí, sắp xếp được việc làm khác); (3) Cán bộ, công chức, viên chức đang trong thời gian bị kỷ luật nhưng chưa đến mức bị bãi nhiệm hoặc bị buộc thôi việc theo quy định của pháp luật tại thời điểm xét tinh giản biên chế, cá nhân tự nguyện thực hiện tinh giản biên chế, được cơ quan, tổ chức, đơn vị trực tiếp quản lý đồng ý; (4) Người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố dôi dư do sắp xếp thôn, tổ dân phố khi sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã nghỉ trong thời gian 12 tháng kể từ khi có quyết định sắp xếp của cấp có thẩm quyền.
- Quy định mới về các trường hợp chưa xem xét thực hiện tinh giản biên chế bao gồm: Những người đang trong thời gian mang thai, nghỉ thai sản, đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, trừ trường hợp cá nhân tự nguyện tinh giản biên chế; Những người đang trong thời gian xem xét kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc bị thanh tra, kiểm tra do có dấu hiệu vi phạm
- Ngoài ra, Nghị định 29/2023/NĐ-CP cũng bổ sung nhiều chính sách nghỉ hưu trước tuổi với nữ cán bộ, công chức cấp xã; chính sách nghỉ hưu trước tuổi đối với cán bộ, công chức cấp xã dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã có tuổi thấp hơn tối đa đủ 10 tuổi và thấp hơn tối thiểu trên 05 tuổi so với tuổi nghỉ hưu theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội; chính sách đối với đối tượng tinh giản biên chế dôi dư do sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã nghỉ từ khi có quyết định sắp xếp của cấp có thẩm quyền đến trước thời điểm kết thúc lộ trình sắp xếp,…
Có hiệu lực từ 17/7/2023, Thông tư 01/2023/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định danh mục và thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý theo ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tại chính quyền địa phương.
Theo Thông tư, có 5 vị trí công tác trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý theo ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tại chính quyền địa phương cần định kỳ chuyển đổi bao gồm:
1- Quản lý động vật thuộc danh mục quý hiếm;
2- Kiểm dịch động vật;
3- Kiểm lâm;
4- Kiểm soát thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, bệnh động vật, gia súc, gia cầm;
5- Theo dõi, quản lý bảo vệ nguồn lợi thủy sản, quản lý chất lượng an toàn vệ sinh, thú y, thủy sản.
Thông tư số 06/2023/TT-BVHTTDL của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hướng dẫn về vị trí việc làm công chức nghiệp vụ chuyên ngành văn hóa, gia đình, thể dục, thể thao và du lịch trong cơ quan, tổ chức hành chính thuộc ngành, lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch có hiệu lực từ 10/7/2023.
Danh mục vị trí việc làm công chức nghiệp vụ chuyên ngành văn hóa, gia đình, thể dục, thể thao và du lịch được quy định tại Phụ lục I kèm theo Thông tư này.
Bản mô tả công việc và khung năng lực của vị trí việc làm công chức nghiệp vụ chuyên ngành văn hóa, gia đình, thể dục, thể thao và du lịch quy định tại Phụ lục IIA, Phụ lục IIB và Phụ lục IIC kèm theo Thông tư này.
Khung cấp độ xác định yêu cầu về năng lực đối với vị trí việc làm công chức nghiệp vụ chuyên ngành văn hóa, gia đình, thể dục, thể thao và du lịch trong các cơ quan, tổ chức hành chính quy định tại Phụ lục III kèm theo Thông tư này.
Đối với trường hợp công chức đang giữ ngạch công chức cao hơn so với ngạch công chức theo yêu cầu của vị trí việc làm được quy định tại Thông tư này thì được bảo lưu cho đến khi có hướng dẫn mới về chế độ tiền lương theo quy định.
Ngày 15/6/2023, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư số 05/2023/TT-BLĐTBXH, thay thế Thông tư số 36/2017/TT-BLĐTBXH, ban hành danh mục ngành, nghề học nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm trình độ trung cấp, cao đẳng. Theo đó, danh mục ngành nghề học nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm trình độ trung cấp, cao đẳng được bổ sung chủ yếu nằm ở các lĩnh vực nghệ thuật, khai thác khoáng sản, vận tải, điện, nông - lâm nghiệp, da giày - dệt may, vệ sinh môi trường, thương mại. Trong đó, cập nhật, bổ sung thêm nhiều ngành nghề nghệ thuật xếp vào diện nặng nhọc, độc hại. Cụ thể: Trình độ trung cấp gồm nghệ thuật biểu diễn ca kịch Huế, dân ca, diễn chèo, diễn tuồng, diễn cải lương, diễn kịch nói, diễn kịch múa, diễn viên kịch - điện ảnh, biểu diễn xiếc…Ở trình độ cao đẳng, các ngành nghề được bổ sung vào danh mục gồm giáo viên huấn luyện xiếc, nghệ thuật biểu diễn dân ca, biểu diễn xiếc, diễn viên kịch - điện ảnh, diễn viên sân khấu kịch hát, diễn viên múa, thanh nhạc, chỉ huy âm nhạc… Thông tư số 05/2023/TT-BLĐTBXH có hiệu lực kể từ ngày 30/7/2023, áp dụng đối với các khóa học tuyển sinh và tổ chức đào tạo từ ngày Thông tư có hiệu lực thi hành.
Hôm nay : 2376
Tháng này : 50453