Tháng 10/2022, nhiều chính sách mới về lao động, tiền lương công chức, viên chức bắt đầu có hiệu lực: Bỏ chứng chỉ ngoại ngữ, tin học, điều chỉnh cách xếp lương với công chức, viên chức một số ngành; bồi thường với lao động tai nạn trên công trường.
Từ ngày 06/10/2022, khi Thông tư 07/2022/TT-BNNPTNT, Thông tư 08/2022/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có hiệu lực, người lao động là viên chức, công chức ngành nông nghiệp không còn được yêu cầu phải có chứng chỉ tin học, ngoại ngữ nữa mà chỉ cần có kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản và sử dụng được ngoại ngữ hoặc sử dụng được tiếng dân tộc thiểu số theo yêu cầu của vị trí việc làm.
Sau khi được bỏ chứng chỉ ngoại ngữ, tin học, viên chức chỉ cần đáp ứng các tiêu chuẩn về chức độ đào tạo như:
- Có bằng tốt nghiệp trình độ trung cấp/đại học trở lên ngành, chuyên ngành phù hợp tùy theo yêu cầu của từng vị trí việc làm.
- Có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức phù hợp với từng chuyên ngành.
Đối với công chức ngành nông nghiệp chỉ cần đáp ứng cái tiêu chuẩn về trình độ đào tạo như:
- Có bằng tốt nghiệp đại học trở lên ngành, chuyên ngành phù hợp với yêu cầu vị trí việc làm.
- Có chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng quản lý nhà nước phù hợp với từng ngạch.
Thông tư 07/2022/TT-BNV ngày 31/8/2022 của Bộ Nội vụ quy định về chức danh, mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, thi hoặc xét thăng hạng, bổ nhiệm và xếp lương viên chức chuyên ngành lưu trữ có hiệu lực từ ngày 15/10/2022 đã bãi bỏ hoàn toàn các quy định yêu cầu viên chức chuyên ngành lưu trữ phải có chứng chỉ ngoại ngữ, tin học để đáp ứng tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng. Theo đó, tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng của viên chức ngành lưu trữ hiện nay như sau:
- Lưu trữ viên chính - Mã số: V.01.02.01: Tốt nghiệp đại học trở lên chuyên ngành lưu trữ. Trường hợp tốt nghiệp đại học trở lên chuyên ngành khác thì phải có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ lưu trữ do cơ sở đào tạo có thẩm quyền cấp hoặc có bằng tốt nghiệp cao đẳng, trung cấp ngành lưu trữ.
- Lưu trữ viên - Mã số: V.01.02.02: Tốt nghiệp đại học trở lên chuyên ngành lưu trữ. Trường hợp tốt nghiệp đại học trở lên chuyên ngành khác thì phải có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ lưu trữ do cơ sở đào tạo có thẩm quyền cấp hoặc có bằng tốt nghiệp cao đẳng, trung cấp chuyên ngành lưu trữ.
- Lưu trữ viên trung cấp - Mã số: V.01.02.03: Tốt nghiệp trung cấp trở lên chuyên ngành lưu trữ. Trường hợp tốt nghiệp trung cấp trở lên chuyên ngành khác thì phải có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ lưu trữ do cơ sở đào tạo có thẩm quyền cấp.
Thông tư số 13/2022/TT-BTTTT ngày 26/8/2022 của Bộ Thông tin và Truyền thông có hiệu lực từ 10/10/2022 đã bãi bỏ yêu cầu phải có chứng chỉ tin học, ngoại ngữ đối với viên chức biên tập viên, phóng viên, biên dịch viên và đạo diễn truyền hình
Nhìn chung, tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng của các chức danh viên này chỉ yêu cầu:
- Có bằng tốt nghiệp đại học trở lên ngành phù hợp. Trường hợp có bằng tốt nghiệp đại học khác ngành thì phải có chứng chỉ bồi dưỡng về nghiệp vụ do cơ sở đào tạo có thẩm quyền cấp;
- Có chứng chỉ bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành;
- Viên chức hạng II, hạng I: Có bằng tốt nghiệp lý luận chính trị hoặc bằng lý luận chính trị - hành chính hoặc có giấy xác nhận trình độ lý luận chính trị tương đương do cơ quan có thẩm quyền cấp.
Còn lại, các quy định về mã số và xếp lương của viên chức biên dịch viên, biên tập viên, phóng viên và đạo diễn truyền hình không có sự thay đổi.
Tháng 10/2022 cũng đánh dấu thời điểm chính thức hiệu lực của loạt Thông tư mới, điều chỉnh về cách xếp lương đối với một số công chức, viên chức ngành nông nghiệp, thông tin, lưu trữ. Cụ thể như sau:
Thông tư 50/2022/TT-BTC ngày 11/8/2022 Bộ Tài chính về bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng bắt đầu có hiệu lực từ ngày 01/10/2022.
Theo đó, tại Điều 21 Thông tư 50/2022/TT-BTC quy định, nhà thầu thi công xây dựng có trách nhiệm mua bảo hiểm bắt buộc cho người lao động thi công trên công trường theo quy định pháp luật. Số tiền bảo hiểm tối thiểu đối với người lao động thi công trên công trường là 100 triệu đồng/người/vụ.
Doanh nghiệp bảo hiểm sẽ bồi thường cho nhà thầu thi công xây dựng những khoản tiền mà nhà thầu thi công xây dựng bồi thường cho người lao động bị thương tật, chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp phát sinh do thực hiện công việc thi công trên công trường, trừ một số trường hợp nhất định.
Khi người lao động bị thương tật, chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp phát sinh do thực hiện công việc thi công trên công trường thuộc trách nhiệm bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm sẽ chi trả các khoản sau:
- Phụ cấp nghỉ việc trong thời gian điều trị theo chỉ định của bác sĩ nhưng không vượt quá 06 tháng lương trong mỗi sự kiện bảo hiểm.
- Chi phí cấp cứu, điều trị nội, ngoại trú cần thiết nhưng không vượt quá 100 triệu đồng/người/vụ.
- Trường hợp người lao động bị suy giảm khả năng lao động dưới 81%, mức bồi thường xác định theo Bảng tỷ lệ trả tiền bồi thường tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Thông tư này.
- Trường hợp người lao động bị chết/suy giảm khả năng lao động vĩnh viễn từ 81% trở lên, doanh nghiệp bảo hiểm sẽ chi trả 100 triệu đồng/người/vụ.
Tổng số tiền bồi thường không vượt quá tổng số tiền bảo hiểm quy định trong hợp đồng bảo hiểm.
Hôm nay : 5103
Tháng này : 46974