Ngày 17/9/2024, Chính phủ đã ban hành Nghị định 116/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 138/2020/NĐ-CP về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức và Nghị định 06/2023/NĐ-CP về kiểm định chất lượng đầu vào công chức. Trong đó có nhiều nội dung đáng chú ý về thi tuyển công chức; nâng ngạch công chức; tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm công chức lãnh đạo, quản lý;... Ban Chính sách - Pháp luật LĐLĐ tỉnh tổng hợp một số nội dung quan trọng để đoàn viên, CNVCLĐ được biết.
► Tại khoản 2 Điều 1 Nghị định 116/2024/NĐ-CP đã bổ sung thêm quy định về các đối tượng và điểm ưu tiên trong thi tuyển hoặc xét tuyển công chức như sau:
“Cán bộ công đoàn trưởng thành từ cơ sở, trong phong trào công nhân theo quy định của cấp có thẩm quyền: Được cộng 1,5 điểm vào kết quả vòng 2”.
Trước đó, tại Nghị định 85/2023/NĐ-CP ngày 07/12/2023 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 115/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức cũng bổ sung quy định cán bộ công đoàn trưởng thành từ cơ sở, trong phong trào công nhân được cộng 1,5 điểm vào kết quả vòng 2 trong thi tuyển hoặc xét tuyển viên chức.
► Ngoài ra, Khoản 4 Điều 1 Nghị định 116/2024/NĐ-CP cũng đã bổ sung các quy định:
- Bỏ quy định về phần thi Tin học tại vòng 1;
- Bổ sung quy định đối với vị trí việc làm không yêu cầu trình độ ngoại ngữ thì không phải tổ chức thi phần II. Ngoại ngữ.
- Thí sinh không phải dự thi vòng 1 nếu đã đạt kết quả kiểm định chất lượng đầu vào công chức theo quy định tại Nghị định số 06/2023/NĐ-CP;
- Thay đổi hình thức thi vòng 2 chỉ còn 2 hình thức: thi viết hoặc kết hợp viết và phỏng vấn (bỏ hình thức thi phỏng vấn).
► Khoản 12 Điều 1 Nghị định 116/2024/NĐ-CP cũng bổ sung quy định về xếp ngạch, bậc lương đối với người được tuyển dụng vào công chức đã có thời gian công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc. Theo đó, trường hợp người được tuyển dụng vào công chức theo quy định đã có thời gian công tác theo đúng quy định của pháp luật, có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc (nếu không liên tục mà chưa nhận trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần thì được cộng dồn), được bố trí làm công việc theo đúng chuyên môn, nghiệp vụ trước đây đã đảm nhiệm thì thời gian công tác đó được tính làm căn cứ để xếp lương ở ngạch công chức tương ứng theo vị trí việc làm được tuyển dụng”.
Tại khoản 20, 21 Điều 1 Nghị định 116/2024/NĐ-CP sửa đổi Điều 31 Nghị định 138/2020/NĐ-CP các trường hợp được xét nâng ngạch công chức được sửa đổi như sau:
► Xét nâng ngạch khi có thành tích trong hoạt động công vụ
- Xét nâng ngạch từ nhân viên hoặc tương đương lên cán sự hoặc tương đương; từ ngạch cán sự hoặc tương đương lên chuyên viên hoặc tương đương khi đáp ứng một trong các điều kiện: được tặng bằng khen của bộ, ban, ngành, tỉnh trở lên do có thành tích trong công tác và được đánh giá xếp loại chất lượng HTTNV trở lên trong năm liền kề trước năm xét nâng ngạch. Có 03 năm công tác liền kề trước năm xét nâng ngạch được đánh giá xếp loại HTTNV trở lên, trong đó có ít nhất 01 năm HTSXNV.
- Xét nâng ngạch từ chuyên viên hoặc tương đương lên chuyên viên chính hoặc tương đương khi đáp ứng một trong các điều kiện: được tặng Huân chương Lao động hạng Ba trở lên và được đánh giá HTTNV trở lên trong năm liền kề trước năm xét nâng ngạch. Được tặng Bằng khen Thủ tướng Chính phủ và có 03 năm liền kề trước năm xét nâng ngạch được đánh giá xếp loại HTTNV trở lên. Được tặng danh hiệu CSTĐ bộ, ban, ngành, tỉnh trở lên và có 03 năm công tác liền kề trước năm xét nâng ngạch được đánh giá xếp loại HTTNV trở lên, trong đó có ít nhất 01 năm HTSXNV.
- Xét nâng ngạch từ chuyên viên chính hoặc tương đương lên chuyên viên cao cấp hoặc tương đương khi đáp ứng một trong các điều kiện: được tặng Huân chương Lao động hạng Nhì trở lên và có 03 năm liền kề được đánh giá HTTNV trở lên trong đó có ít nhất 01 năm HTXSNV. Được tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quốc.
► Xét nâng ngạch khi được bổ nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý
- Xét nâng ngạch lên chuyên viên cao cấp hoặc tương đương (đối với cấp tỉnh) khi được bổ nhiệm vào chức vụ, chức danh Giám đốc sở và tương đương trở lên thuộc UBND cấp tỉnh.
- Xét nâng ngạch lên chuyên viên chính hoặc tương đương (đối với cấp tỉnh) khi được bổ nhiệm vào chức vụ, chức danh Phó Giám đốc sở và tương đương trở lên thuộc UBND cấp tỉnh; Chủ tịch UBND cấp huyện và tương đương.
► Tại Khoản 27 Điều 1 Nghị định 116/2024/NĐ-CP đã sửa đổi khoản 2 Điều 41 Nghị định 138/2020/NĐ-CP về thời hạn giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý của công chức như sau:
“Công chức lãnh đạo, quản lý có thể được bổ nhiệm lại với số lần không hạn chế, trừ trường hợp có quy định khác của Đảng hoặc của pháp luật chuyên ngành”.
Trước đó, Khoản 2 Điều 41 Nghị định 138/2020/NĐ-CP quy định “Thời hạn giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý không được quá hai nhiệm kỳ liên tiếp được thực hiện theo quy định của Đảng và pháp luật chuyên ngành”.
► Tại Khoản 28 Điều 1 Nghị định 116/2024/NĐ-CP sửa đổi Điều 42 của Nghị định 138/2020/NĐ-CP về tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm công chức lãnh đạo, quản lý như sau:
(1) Bảo đảm tiêu chuẩn chung theo quy định của Đảng, của pháp luật và tiêu chuẩn cụ thể của chức vụ, chức danh bổ nhiệm theo quy định của cơ quan có thẩm quyền;
(2) Đối với nhân sự từ nguồn tại chỗ phải được quy hoạch vào chức vụ, chức danh bổ nhiệm hoặc được quy hoạch chức vụ, chức danh tương đương trở lên. Đối với nhân sự nguồn từ nơi khác phải được quy hoạch chức vụ, chức danh tương đương trở lên. Trường hợp đặc biệt do cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định;
Trường hợp cơ quan, tổ chức, đơn vị mới thành lập chưa thực hiện việc phê duyệt quy hoạch thì do cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
(3) Có thời gian giữ chức vụ, chức danh đảm nhiệm hoặc chức vụ, chức danh tương đương tối thiểu là 02 năm, nếu không liên tục thì được cộng dồn (chỉ cộng dồn đối với thời gian giữ chức vụ, chức danh tương đương) hoặc bảo đảm thời gian công tác liên tục trong ngành, lĩnh vực theo tiêu chuẩn cụ thể của chức vụ, chức danh bổ nhiệm. Trường hợp đặc biệt do cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Trước đó Nghị định 138/2020/NĐ-CP chưa có quy định về điều kiện, tiêu chuẩn này.
(4) Có hồ sơ, lý lịch cá nhân được xác minh, có bản kê khai tài sản, thu nhập theo quy định.
(5) Điều kiện về tuổi bổ nhiệm:
a) Công chức được đề nghị bổ nhiệm lần đầu giữ chức vụ, chức danh lãnh đạo, quản lý hoặc đề nghị bổ nhiệm giữ chức vụ, chức danh lãnh đạo, quản lý cao hơn thì phải đủ tuổi để công tác trọn thời hạn bổ nhiệm. Thời điểm tính tuổi bổ nhiệm thực hiện theo quy định của cấp có thẩm quyền. Trường hợp đặc biệt do cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Trước đây, theo quy định tại Nghị định 138/2020/NĐ-CP công chức được đề nghị bổ nhiệm vào chức vụ lãnh đạo, quản lý mà thời hạn mỗi lần bổ nhiệm dưới 05 năm theo quy định thì tuổi bổ nhiệm phải đủ một nhiệm kỳ.
b) Công chức được bổ nhiệm giữ chức vụ, chức danh mới tương đương hoặc thấp hơn chức vụ, chức danh đang giữ thì không tính tuổi bổ nhiệm theo quy định trên.
(6) Có đủ sức khỏe để hoàn thành nhiệm vụ và chức trách được giao.
(7) Không thuộc các trường hợp bị cấm đảm nhiệm chức vụ; không đang trong thời hạn xử lý kỷ luật; không đang trong thời gian bị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử; không đang trong thời gian thực hiện các quy định liên quan đến kỷ luật theo quy định của Đảng và của pháp luật.
Nghị định 116/2024/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 17/9/2024.
Hôm nay : 972
Tháng này : 30231