Thời tiết Hà Tĩnh đã nắng nóng liên tục nhiều ngày nay với nền nhiệt từ 38 - 39 độ C. Mặc cho nắng nóng gay gắt, bỏng rát trên cột điện cao thế, những công nhân trên công trường 500kV mạch 3 đều đặn mỗi ngày vẫn làm việc đến 11h30 mới rời công trường về ăn vội cơm trưa, sau đó từ 13h30 đã quay trở lại công trường
Bữa cơm trưa của nhóm công nhân thi công dựng cột điện số 175 thuộc công trường 500kV mạch 3
ở Hà Tĩnh. Ảnh: Đức Tiến
Bữa cơm ăn vội
Đúng 11h30', nhóm công nhân thi công lắp dựng cột điện số 175 - một trong những cột cao nhất trên tuyến 500kV mạch 3 ở Hà Tĩnh với chiều cao 145m mới xuống cột để về ăn cơm trưa.
Chiếc xe tải ben chở gần vài chục công nhân sau thùng di chuyển từ công trường trên đồi cao về một nhà dân ở thôn Mỹ Lâm (xã Cẩm Mỹ, huyện Cẩm Xuyên) cách công trường cột điện 175 hơn một cây số.
Xuống xe, bước vào ngôi nhà cấp bốn cũ, ẩm thấp với tác phong nhanh nhẹn như những anh lính đang thực hiện nghĩa vụ quân sự, nhóm công nhân của Công ty Cổ phần Xây lắp và Dịch vụ Sông Đà cởi liền quần áo bảo hộ trên người, rửa mặt, tay, chân xong là ngồi xuống ăn ngay bữa cơm trưa vừa được dọn sẵn ra sàn nhà. Lúc này, đồng hồ đã điểm đúng 12h trưa.
Gần đúng 12h, trời chói chang nắng, nhóm công nhân Công ty CP Xây lắp và Dịch vụ Sông Đà mới từ công trường về đến căn nhà thuê của dân ở xã Cẩm Mỹ để ăn bữa cơm trưa. Ảnh: Đức Tiến
“Làm về nóng nực, mồ hôi nhễ nhại cũng muốn tắm cái đã rồi vào ăn cơm trưa nhưng mà nước sạch khan hiếm lắm, trong khi anh em thì đông, đến 17 người, nên không thể đủ nước và chờ nhau tắm được” - anh Bùi Văn Quang (45 tuổi, quê ở tỉnh Hòa Bình) chia sẻ.
Anh Quang mồ hôi nhễ nhại khi vừa từ công trường trở về để ăn bữa cơm trưa. Ảnh: Đức Tiến
Bữa cơm trưa dọn ra có 2 mâm với 6 món gồm thịt lợn luộc, thịt vịt, cà luộc, dưa cải muối, giá xào và canh chua. Một nồi cơm rất lớn đặt ra giữa sàn nhà, ngỡ các công nhân đi lao động chân tay về ăn khỏe lắm sẽ hết. Vậy nhưng, bữa cơm diễn ra chóng vánh trong khoảng 10 phút đã xong khi cơm và thức ăn vẫn còn dư nhiều.
“Cơm tập thể đông vui mà không có chén rượu, cốc bia nào à các bác ?” - Tôi hỏi. Vài người cười, đáp lời: “Công ty không cho uống buổi trưa. Với lại, anh em chúng tôi cũng ý thức không thể dùng bia, rượu ban trưa vì sẽ nguy hiểm khi mình trèo thi công trên cột điện cao ngay vào đầu giờ chiều”.
Mâm cơm trưa của anh em công nhân. Ảnh: Đức Tiến
Ăn vội bữa cơm trưa xong, các công nhân uống cốc nước đá nữa là tỏa ra các góc nhà nằm chợp mắt trong khoảng một giờ đồng hồ. Nhưng nóng và chật quá, một số người không nằm được trong nhà, đành ra mắc võng nằm dưới tán rừng tràm bên cạnh.
Sau bữa cơm trưa một số công nhân ra mắc võng dưới tán rừng keo chợp mắt ít phút trước khi trở lại công trường vào buổi chiều. Ảnh: Đức Tiến
“Thời gian ban trưa ngắn quá, anh em tranh thủ ăn nhanh rồi nằm nghỉ ngơi chút. Dù nhớ vợ, con muốn gọi điện về hỏi thăm một lúc nhưng đành thôi, để buổi tối về, thời gian nghỉ ngơi dài hơn rồi gọi sau” - anh Quang tâm sự.
Sau bữa cơm trưa, nhóm công nhân trở lại công trường trên chiếc xe tải ben để làm việc buổi chiều. Ảnh: Đức Tiến
Đúng 13h30', khi nắng nóng đang đỉnh điểm với nhiệt độ gần 40 độ C, các công nhân bật dậy rửa mặt, mặc đồ bảo hộ đã sờn nâu đất và dầu mỡ máy công trình, rồi nhanh chóng lên chiếc xe tải ben đã chờ sẵn ở cổng, đến công trường làm việc.
Anh nuôi quân “bất đắc dĩ”
Sau bữa cơm trưa, bao nhiêu bát, đũa đều do anh Bùi Văn Tư (48 tuổi, quê ở tỉnh Hòa Bình) dọn, rửa.
Anh Tư - cho biết, tất cả 17 con người thi công dựng cột điện 175 đều là người dân tộc Mường trong một làng ở khu Nội Sung, thị trấn Bo, huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình.
“Mấy ngày đầu khi vào Hà Tĩnh, tôi cũng lên công trường thi công như các anh em khác. Cơm nước là thuê một phụ nữ, người địa phương ở đây nấu. Tuy nhiên, do cách nấu khác với khẩu vị của người Bắc chúng tôi, cảm thấy khó ăn nên anh em cắt cử tôi ở nhà đi chợ, nấu ăn. Tôi trở thành anh nuôi quân bất đắc dĩ như vậy đó” - anh Tư cười, kể.
Theo lời anh Tư, hằng ngày, anh thức dậy lúc 3h30 nấu cơm sáng cho các anh em dậy ăn sáng, đi làm sớm lúc 5h30. Đến 6h thì anh Tư chạy xe máy đi chợ mua thức ăn rồi về soạn sửa, chuẩn bị cơm trưa cho anh em.
Anh Tư chuẩn bị nguyên liệu để nấu bữa cơm trưa cho anh em công nhân Công ty CP Xây lắp và Dịch vụ Sông Đà. Ảnh: Đức Tiến
“Anh em làm việc vất vả nên thức ăn phải thay đổi từng bữa để dễ nuốt. Chế độ dinh dưỡng cũng được chú trọng để anh em có sức khỏe. Chi phí mỗi bữa ăn cho một người ước hết khoảng 40 nghìn đồng” - anh “nuôi quân” Bùi Văn Tư chia sẻ.
Tôi băn khoăn: “Tại sao trong bao nhiêu người, anh lại được chọn làm “đầu bếp”?, anh Tư cười, nói rằng, do anh nấu cũng “ăn được” và cũng đã có chứng chỉ nấu ăn hẳn hoi.
Từ ngày vào Hà Tĩnh để thi công đường dây 500kV mạch 3 đến nay đã tròn 2 tháng nhưng anh Tư chưa một lần được về nhà, dù rất nhớ vợ, con, rất muốn về thăm nhà.
“Anh em trên công trường áp lực tiến độ nên hầu hết cũng chưa ai được về nhà. Bản thân tôi không làm trên công trường nhưng phải chợ búa, nấu nướng hàng ngày cũng không thể về được, dù muốn về lắm” - anh Tư tâm tư.
Vất vả, áp lực tiến độ
Sau gần 2 tháng thi công liên tục trên công trường lắp dựng cột điện số 175, đến nay, công nhân Bùi Huy Hoàng (37 tuổi, quê ở tỉnh Hòa Bình) mới xin nghỉ một ngày vì “quá mệt không thể gắng được nữa”.
Anh Hoàng kể, anh cũng như nhiều anh em thi công dựng cột số 175 đều là công nhân hợp đồng thời vụ của Công ty Cổ phần Xây lắp và Dịch vụ Sông Đà. Mỗi ngày làm việc trên công trường, các anh được trả công 700 nghìn đồng.
“Làm việc vất vả, nguy hiểm nhưng tiền công cũng tương đối cao. Hôm nay mệt quá không thể gắng được nữa nên tôi phải xin nghỉ. Không đi làm ngày nào là mất thu nhập ngày đó” - anh Hoàng chia sẻ và cho biết, sau một ngày nghỉ ngơi thấy đã tạm đỡ nên ngày mai, anh sẽ trở lại công trường làm việc.
Sau nhiều ngày thi công vất vả, anh Hoàng mệt quá phải xin nghỉ làm một ngày để dưỡng sức.
Ảnh: Đức Tiến
Anh Hoàng kể, thời tiết nắng nóng kéo dài với nền nhiệt cao nên rất vất vả. Khi lên cột điện, nhiệt độ từ thân cột điện bằng kim loại tỏa ra rất nóng, cơ thể người mới chạm vào giật mình cảm giác như để chiếc xe máy ngoài trời nắng nhiều giờ, sau đó ra ngồi lên yên xe là bỏng cả mông. Thế nhưng, anh em công nhân cũng chấp nhận chịu đựng để thi công chứ không có cách nào khác được.
“Nếu mặc đồ bảo hộ dày để cách được nhiệt từ cột điện tỏa vào người thì nhiệt độ cơ thể không tỏa ra được cũng nóng không thể chịu được” - anh Hoàng phân tích.
Theo anh Hoàng, đến thời điểm này, cột điện số 175 cao 145m, anh em đã thi công đạt 135m, chỉ còn 10m nóc nữa là hoàn thành lắp dựng cột điện cao nhất trên tuyến này.
“Có thể khoảng 5 ngày nữa là lắp dựng xong cột đó. Sau đó sẽ tiến hành lắp xà, sứ và kéo dây. Tôi cũng chưa biết thi công xong cột này, anh em có bị điều đi hỗ trợ thi công ở cột khác nữa hay không. Nếu điều thì cũng sẵn sàng nhận nhiệm vụ thôi” - công nhân Bùi Huy Hoàng chia sẻ.
Trong nhóm 17 công nhân cùng quê thi công lắp dựng cột điện số 175, ngày anh Hoàng mệt quá phải nghỉ, công nhân Bùi Đức Hậu (42 tuổi) cũng xin nghỉ, nằm mệt lữ ở dưới lán trong vườn tràm.
Tôi gọi mấy tiếng lớn để đánh thức anh dậy phỏng vấn ít câu nhưng anh không nhúc nhích. Phải đến gần 12h trưa, khi anh em trên công trường về đến nhà thuê để dùng cơm trưa, anh mới gượng dậy để ăn cơm cùng anh em.
Công nhân thi công lắp dựng cột điện rất vất vả, nguy hiếm. Ảnh: Đức Tiến
“Mệt quá không thể gắng được nên phải xin nghỉ. Nghỉ là không có tiền công nhưng gắng quá sức đổ bệnh ra lại tốn kém tiền điều trị”. Nói vậy nhưng anh Hậu cũng chia sẻ, dự kiến ngày mai, anh sẽ cố gắng trở lại công trường làm việc.
Từ ngày vào công trường thi công đường dây 500kV mạch 3 tại Hà Tĩnh đến nay đã 2 tháng, anh Hậu chưa một lần được về thăm nhà. Anh Hậu cũng như bao anh em khác đều muốn về lắm nhưng vì áp lực tiến độ nên phải bám công trường làm việc.
“Cũng may có cái điện thoại thông minh, mỗi tối đến, gọi vợ con qua video trò chuyện cũng khuây khỏa, không thì buồn lắm” - anh Hậu tâm sự.
Rời công trường 500kV mạch 3 khi mặt trời buổi chiều vẫn chói chang nắng, tôi nhẩm tính chỉ còn vài tuần nữa là đến 30.6 - hạn cuối phải hoàn thành dự án theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Cẩu tời đưa công nhân lên thi công dựng cột điện số 175 ở Hà Tĩnh. Ảnh: Đức Tiến
Cột điện số 175 cao vút thi công rất vất vả, nguy hiểm. Ảnh: Đức Tiến
Nghĩ đến vất vả, hiểm nguy và nỗ lực tột cùng của anh em công nhân trên công trường, tôi tin rằng, họ sẽ làm được, sẽ hoàn thành công trình theo chỉ đạo. Bởi, họ có động lực lớn lao là được góp sức mình vào công trình trọng điểm Quốc gia và động lực “xong sớm để về nhà nghỉ ngơi, đoàn tụ bên gia đình” sau một đợt chiến dịch dài ngày “nướng” mình trên công trường khốc liệt, nắng như đổ lửa của miền Trung.
Dự án đường dây 500kV mạch 3 qua Hà Tĩnh dài 141,52km với 285 cột phải lắp dựng thuộc địa bàn thị xã Kỳ Anh và các huyện Kỳ Anh, Cẩm Xuyên, Thạch Hà, Hương Khê, Can Lộc, Vũ Quang, Đức Thọ, Hương Sơn. Theo Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Trung, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các nhà thầu và lực lượng tăng cường hỗ trợ đang nỗ lực đẩy nhanh tiến độ thi công từng ngày, phấn đấu hoàn thành dự án trước ngày 30.6.
Hôm nay : 1619
Tháng này : 47374