Các chính sách liên quan đến quyền lợi của người lao động có hiệu lực từ tháng 11: Hỗ trợ người lao động, bảo vệ người lao động khi thực hiện tố cáo, xếp lương viên chức khúc xạ nhãn khoa.
Người lao động nhận tiền hỗ trợ theo Nghị quyết 116 (Ảnh minh họa)
Chi trả tiền hỗ trợ theo Nghị quyết 116 cho người lao động tại doanh nghiệp
Sau gần 1 tháng triển khai gói hỗ trợ 30.000 tỷ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp tại Nghị quyết 116 đã đem lại nhiều niềm vui cho người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Tháng 11 này cũng chính là thời điểm chi trả tiền hỗ trợ đối với người lao động đang làm việc tại doanh nghiệp mà có đóng bảo hiểm thất nghiệp.
Theo hướng dẫn tại Quyết định 28/2021/QĐ-TTg, người lao động đang đóng Bảo hiểm thất nghiệp không cần trực tiếp làm thủ tục hưởng mà sẽ do cơ quan Bảo hiểm xã hội (BHXH) và người sử dụng lao động phối hợp thực hiện.
Ngày 20/10/2021 là hạn cuối để cơ quan BHXH gửi danh sách người lao động đủ điều kiện hưởng cho doanh nghiệp để tiến hành kiểm tra, đối chiếu thông tin. Sau đó, người sử dụng lao động sẽ tổng hợp lại danh sách những người đã đúng thông tin và những người cần điều chỉnh thông tin với hạn chót là ngày 10/11/2021 phải gửi lại cho cơ quan BHXH.
Những người lao động đúng thông tin sẽ được trả tiền hỗ trợ trong tối đa 10 ngày từ ngày doanh nghiệp gửi lại danh sách cho cơ quan BHXH. Những người có sai sót về thông tin thì thời gian nhận hỗ trợ lên đến 20 ngày.
Như vậy, nếu cơ quan BHXH và doanh nghiệp thực hiện đúng thủ tục nêu trên thì trong tháng 11 này, mọi người lao động làm việc tại doanh nghiệp sẽ được chi trả tiền hỗ trợ theo Nghị quyết 116.
Điều chỉnh quy định về bảo vệ người lao động khi thực hiện tố cáo
Thông tư 09/2021/TT-BLĐBXH sửa đổi, bổ sung Thông tư 08/2020/TT-BLĐTBXH về bảo vệ việc làm của người tố cáo là người lao động làm việc theo hợp đồng lao động, áp dụng từ ngày 01/11/2021.
Thứ nhất, Thông tư số 09 đã sửa đổi Điều 4 về “Trình tự, thủ tục bảo vệ được thực hiện theo quy định tại Mục 2 Chương VI Luật Tố cáo”.
Theo quy định tại Mục 2 Chương VI Luật Tố cáo, trình tự, thủ tục bảo vệ phải có các nội dung chính sau đây: Ngày, tháng, năm đề nghị áp dụng biện pháp bảo vệ; Họ tên, địa chỉ của người tố cáo; Họ tên, địa chỉ của người cần được bảo vệ; Lý do và nội dung đề nghị áp dụng biện pháp bảo vệ; Chữ ký hoặc điểm chỉ của người tố cáo.
Trường hợp khẩn cấp, người tố cáo có thể trực tiếp đến đề nghị hoặc thông qua điện thoại đề nghị người giải quyết tố cáo áp dụng biện pháp bảo vệ ngay nhưng sau đó nội dung đề nghị phải được thể hiện bằng văn bản.
Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền khi tiếp nhận, chuyển đơn tố cáo, giải quyết tố cáo phải giữ bí mật họ tên, địa chỉ, bút tích và các thông tin cá nhân khác của người tố cáo trong quá trình khai thác, sử dụng thông tin, tài liệu do người tố cáo cung cấp.
Đặc biệt, phải bố trí thời gian, địa điểm, lựa chọn phương thức làm việc phù hợp để bảo vệ bí mật thông tin cho người tố cáo khi làm việc trực tiếp với người bị tố cáo, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Để tránh trường hợp người bị trù dập, phân biệt đối xử, các cơ quan, đơn vị cần có các biện pháp bảo vệ việc làm, trong đó xem xét bố trí công tác khác cho người được bảo vệ nếu có sự đồng ý của họ; đồng thời xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật đối với người có hành vi trả thù, trù dập, đe dọa làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người được bảo vệ.
Trường hợp người sử dụng lao động không chấp hành biện pháp bảo vệ việc làm cho người được bảo vệ thì Ban chấp hành công đoàn cơ sở hoặc Ban lãnh đạo của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp mà người lao động đó là thành viên phải có ý kiến bằng văn bản với người sử dụng lao động, đồng thời báo ngay sự việc với cơ quan ra quyết định áp dụng biện pháp bảo vệ và báo cáo tổ chức đại diện cấp trên trực tiếp của người lao động (nếu có) để kịp thời xử lý và có biện pháp bảo vệ việc làm cho người được bảo vệ.
Thông tư mới này đã không còn quy định Ban chấp hành công đoàn cơ sở phải báo cáo với công đoàn cấp trên trực tiếp.
Thứ hai, Thông tư số 09 đã bãi bỏ quyết định, thay đổi, bổ sung và chấm dứt việc áp dụng biện pháp bảo vệ và Trách nhiệm của UBND các cấp.
Hướng dẫn mới về xếp lương viên chức khúc xạ nhãn khoa
Theo Thông tư 14 của Bộ Y tế, quy định về tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, xếp lương viên chức khúc xạ nhãn khoa có hiệu lực từ 1.11.2021, viên chức khúc xạ nhãn khoa hạng 3 làm việc trong các cơ sở y tế công lập có mã số nghề nghiệp là V.08.11.30.
Chức danh nghề nghiệp khúc xạ nhãn khoa hạng III quy định tại Thông tư này được áp dụng Bảng lương chuyên môn nghiệp vụ đối với cán bộ, viên chức trong các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước (Bảng 3) ban hành kèm theo Nghị định 204/2004/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang; được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A1, từ hệ số lương 2,34 đến hệ số lương 4,98 (mức lương tương ứng là 3,48 triệu đồng/tháng đến 7,42 triệu đồng/tháng).
Việc chuyển xếp lương đối với viên chức từ các chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành y tế hiện giữ sang chức danh nghề nghiệp khúc xạ nhãn khoa quy định tại Thông tư này được thực hiện theo hướng dẫn tại khoản 2 Mục II Thông tư số 02/2007/TT-BNV ngày 25 tháng 5 năm 2007 của Bộ Nội vụ hướng dẫn xếp lương khi nâng ngạch, chuyển ngạch, chuyển loại công chức, viên chức và theo quy định hiện hành của pháp luật.
Hôm nay : 610
Tháng này : 51863