Trong suốt chặng đường hơn 35 năm đổi mới, nhân tố con người luôn được xác định là trung tâm, là yếu tố quyết định tốc độ và sự phát triển nước ta trong điều kiện hội nhập quốc tế. Chính vì thế, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực về cả trí lực, thể lực và tâm lực. Trong đó, Luật Lao động, Luật an toàn vệ sinh Lao động, Luật Công đoàn và nhiều văn bản pháp quy đã quy định rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân về việc phải tổ chức khám sức khỏe định kỳ hàng năm cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.
Nằm trong hệ thống Công đoàn tỉnh Hà Tĩnh, Công đoàn huyện Can Lộc hiện có 98 CĐCS đang hoạt động với gần 5.000 đoàn viên, người lao động; trong đó có 52 CĐCS khối trường học, 28 CĐCS khối xã, thị trấn, cơ quan và 18 CĐCS khối doanh nghiệp. Nhận thức rõ về chức năng, nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn, trong thời gian qua, Liên đoàn Lao động huyện Can Lộc đã làm tốt việc đại diện, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, từng bước đáp ứng nguyện vọng chính đáng của đoàn viên và người lao động trong hệ thống Công đoàn huyện, đặc biệt chú trọng nội dung phối hợp khám sức khỏe định kỳ.
Để tạo điều kiện thuận lợi về mặt chủ trương và công tác tổ chức thực hiện trong việc khám sức khỏe định kỳ cho người lao động tại các địa phương, đơn vị, thông qua các cuộc họp, các phiên làm việc với Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Huyện ủy, Thường trực Hội đồng Nhân dân, Lãnh đạo Ủy ban Nhân dân huyện, qua các Hội nghị báo cáo viên do Ban Tuyên giáo Huyện ủy tổ chức, các đồng chí Chủ tịch, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động huyện đã nêu lên vấn đề có tầm quan trọng đặc biệt, những căn cứ pháp lý quy định đối với việc khám sức khỏe định kỳ cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động. Nhờ đó đã có sự tác động tích cực, nâng cao nhận thức, trách nhiệm đối với người sử dụng lao động, tạo điều kiện thuận lợi cho các Công đoàn cơ sở khi đề xuất, tham mưu, phối hợp tổ chức hoạt động.
LĐLĐ huyện phối hợp với UBND huyện tổ chức Hội nghị tuyên truyền pháp luật về an toàn vệ sinh lao động cho cán bộ chủ chốt các địa phương, đơn vị, các cơ sở y tế, doanh nghiệp và cán bộ công đoàn.
Bên cạnh đó, năm 2024 Liên đoàn Lao động huyện đã phối hợp với Ủy ban Nhân dân huyện, Phòng Lao động Thương binh và Xã hội, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện, Bảo hiểm Xã hội huyện tổ chức 09 buổi tuyên truyền về Pháp Luật Lao động, Luật An toàn vệ sinh Lao động với sự tham gia của gần 1.800 đồng chí cán bộ cốt cán các địa phương, đơn vị, chủ doanh nghiệp, chủ tịch các Công đoàn Cơ sở trong toàn huyện. Đồng thời, chỉ đạo, hướng dẫn các Công đoàn cơ sở chủ động phối hợp đề xuất với lãnh đạo địa phương, đơn vị, doanh nghiệp xây dựng kế hoạch, bố trí kinh phí, thời gian tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người lao động; tập trung đẩy mạnh chỉ tiêu này trong Tháng Công nhân và dịp Kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam hàng năm.
Từ quá trình theo dõi và kết quả tổng hợp kết quả thực hiện trong toàn huyện thời gian qua cho thấy, năm 2018 (đầu nhiệm kỳ trước) có 1.176/4.037 (29,1%) đoàn viên, công nhân, lao động được khám sức khỏe định kỳ; đến cuối năm 2022 (Cuối nhiệm kỳ trước) có 2.215/3.816 (58%); năm 2023 (năm đầu nhiệm kỳ mới) tỷ lệ đó đã tiếp tục được tăng lên, đạt mức 67,9% và đến 9 tháng đầu năm 2024, toàn huyện đạt tỷ lệ 77,9%. Như vậy, xét về mặt tỷ lệ đoàn viên, người lao động được khám sức khỏe đã có sự tăng lên đáng kể, đây cũng là tín hiệu mừng, cho thấy các cấp Công đoàn huyện Can Lộc đã có sự nỗ lực không ngừng để làm tốt vai trò đại diện, bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho người lao động. Tuy nhiên, vẫn còn đó một khoảng trống về tỷ lệ hơn 30% đoàn viên, người lao động chưa được khám sức khỏe định kỳ; một số địa phương, đơn vị khó khăn trong việc bố trí nguồn kinh phí dành cho hoạt động khám sức khỏe cho người lao động; đâu đó vẫn có biểu hiện đối phó, chất lượng chưa cao; bản thân người lao động ở một số nơi còn thờ ơ với việc khám sức khỏe.
Khi trao đổi với chúng tôi, khi được hỏi: Theo em thì doanh nghiệp có cần khám sức khỏe định kỳ cho người lao động hay không? - Công nhân Vũ Thành An nói: Nếu khám để thực sự giúp người lao động biết về biểu hiện sức khỏe của bản thân, từ đó biết cách phòng tránh, chăm lo hơn thì nên khám, còn nếu chỉ là khám “cho xong” thì cũng không có ích gì đâu ạ. Với câu hỏi: Qua những lần khám sức khỏe do công ty tổ chức, anh thấy hiệu quả như thế nào? – Công nhân Trần Văn Thông cho biết: Đây là việc làm hết sức quan trọng, qua khám bệnh, nhiều người đã biết bản thân bị bệnh gì hoặc có nguy cơ diễn biến bệnh tật như thế nào, để khám chuyên sâu và điều trị kịp thời.
Đồng chí Phan Anh - Chủ tịch LĐLĐ huyện dự và nắm tình hình khám sức khỏe định kỳ cho đoàn viên, người lao động
Là chủ một công ty cổ phần có tổ chức công đoàn, đóng tại địa bàn huyện Can Lộc, anh Nguyễn Thành Vinh nói, chúng tôi nhận thức tầm quan trọng của việc khám sức khỏe định kỳ cho người lao động, vì vậy, hàng năm chúng tôi đều hợp đồng với các cơ sở y tế đủ điều kiện tổ chức khám cho người lao động; qua thăm khám, một số người đã được phát hiện bệnh sớm và công ty cũng đã có sự bố trí, sử dụng lao động hợp lý, hiệu quả hơn.
Những khó khăn, tồn tại đều có nguyên nhân của nó và đang từng bước được tháo gỡ nhưng phải nói rằng, nguyên nhân đến từ nguồn kinh phí có lẽ là phổ biến nhất. Ghi nhận qua các cuộc tham dự Hội nghị cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ở các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, khi được đề cập về việc hạn chế trong việc tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người lao động, hầu hết các đồng chí lãnh đạo địa phương, đơn vị đều cho rằng: Luật quy định như vậy, chúng tôi đều nắm bắt được, tuy nhiên, nguồn kinh phí dành cho hoạt động thường xuyên thì rất hạn hẹp, chúng tôi rất khó khăn trong việc bố trí kinh phí; vì vậy, muốn cho việc khám sức khỏe thực sự chất lượng, thiết thực thì cần có sự quan tâm của hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân các cấp khi xây dựng dự toán và cấp kinh phí cho các địa phương, đơn vị thì cần tính đến nội dung này.
Khi nói về vai trò của tổ chức công đoàn cơ sở trong việc khám sức khỏe định kỳ, đồng chí Nguyễn Thị Mai, cụm trưởng cụm thi đua các Công đoàn cơ sở khối trường học nói: Ở góc độ Công đoàn cơ sở, hàng năm, chúng tôi đều có đề xuất lên Ban Giám hiệu nhà trường về việc khám sức khỏe định kỳ cho cán bộ, đoàn viên, nhân viên trong nhà trường và trường chúng tôi cũng đã thực hiện khá tốt; nhưng một số đơn vị trong cụm vẫn còn ý kiến cho rằng, kinh phí của nhà trường khó khăn, tài chính công đoàn của thì quá ít ỏi, do đó các đơn vị đã họp bàn đi đến thống nhất gói khám cơ bản, trong đó định rõ mức chi của chuyên môn, mức hỗ trợ của công đoàn và nếu cần thiết thì mỗi cá nhân sẽ đóng góp thêm để được khám ở các gói nâng cao, có chất lượng hơn.
CĐCS Trường Mầm non Thiên Lộc phối hợp với chuyên môn tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho đoàn viên, người lao động
Có thể khẳng định rằng, khám sức khỏe định kỳ cho người lao động là nhiệm vụ hết sức quan trọng và đã được quy định cụ thể ở Điều 21 Luật An toàn vệ sinh lao động: “Hàng năm, người sử dụng lao động phải tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người lao động”, Luật An toàn vệ sinh lao động, Điều 21 ghi rõ: Hàng năm, người sử dụng lao động phải tổ chức khám sức khỏe ít nhất một lần cho người lao động; đối với người lao động làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, người lao động là người khuyết tật, người lao động chưa thành niên, người lao động cao tuổi được khám sức khỏe ít nhất 06 tháng một lần; lao động nữ phải được khám chuyên khoa phụ sản; người làm việc trong môi trường lao động tiếp xúc với các yếu tố có nguy cơ gây bệnh nghề nghiệp phải được khám phát hiện bệnh nghề nghiệp. Tuy nhiên, thực tế cho thấy nhiều doanh nghiệp chưa quan tâm, chưa thực hiện nội dung này.
Nhằm phát huy vai trò của tổ chức Công đoàn trong việc đại diện, bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho người lao động, trước hết, mỗi đồng chí cán bộ, đoàn viên cần phải nắm chắc các nội dung của các bộ Luật, văn bản pháp quy liên quan, làm tốt công tác tham mưu, giúp cho Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Công đoàn các cấp trong việc xây dựng kế hoạch, chủ động phối hợp, đề xuất lãnh đạo địa phương, lãnh đạo chuyên môn cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho đoàn viên, người lao động; giữ mỗi quan hệ chặt chẽ, là cầu nối giữa chủ sử dụng lao động với người lao động; thường xuyên nắm bắt tâm tư, nguyện vọng chính đáng của đoàn viên, người lao động để có sự trao đổi, thống nhất tập thể; phát huy hiệu quả thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, vai trò của ban thanh tra nhân dân để giám sát, tác động đến quá trình thực hiện nhiệm vụ ở đơn vị.
Qua khám sức khỏe định kỳ nhiều đoàn viên đã phát hiện bệnh sớm và được tổ chức công đoàn quan tâm, chia sẻ khó khăn trong quá trình điều trị
Về phía lãnh đạo các địa phương, đơn vị cần nhận thức rõ việc chấp hành pháp luật, có kế hoạch tổ chức hoạt động khám sức khỏe định kỳ, đưa kinh phí thực hiện vào dự toán, đề xuất các cấp, ngành liên quan trong việc phân bổ nguồn kinh phí và tổ chức thực hiện một cách nghiêm túc. Đối với các doanh nghiệp cần phải xác định thời gian, bố trí kinh phí khám sức khỏe định kỳ cho người lao động theo từng thời điểm hợp lý để tránh ảnh hưởng đến kết quả lao động sản xuất.
Thiết nghĩ, để đảm bảo triệt để cho việc khám sức khỏe định kỳ cho người lao động được thực hiện đúng pháp luật, có chất lượng thì vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp là vô cùng quan trọng. Khi các đơn vị được quán triệt về mặt chủ trương, được bố trí nguồn kinh phí; cùng với đó là xem xét, đưa nội dung này vào hệ thống chỉ tiêu, là căn cứ đánh giá chất lượng hoàn thành nhiệm vụ chính trị, chuyên môn; việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở được phát huy nghiêm túc, chắc chắn rằng sẽ tạo nên nguồn lực tổng hợp đẩy mạnh hiệu quả, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của người lao động; từ đó khích lệ, cổ vũ họ cống hiến trí tuệ, công sức đóng góp ngày càng nhiều hơn vào thành tích chung của tập thể, xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và tổ chức công đoàn ngày càng phát triển, vững mạnh.
Hôm nay : 1064
Tháng này : 30313