NQ về “Nâng cao chất lượng công tác kiểm tra công đoàn giai đoạn 2020 - 2025 và những năm tiếp theo"
TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG TỈNH HÀ TĨNH Số: 04 /NQ-LĐLĐ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hà Tĩnh, ngày 18 tháng 12 năm 2019 |
NGHỊ QUYẾT
CỦA BAN THƯỜNG VỤ LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG TỈNH HÀ TĨNH
về “Nâng cao chất lượng công tác kiểm tra công đoàn và hoạt động của ủy ban kiểm tra công đoàn các cấp giai đoạn 2020 - 2025 và những năm tiếp theo”
I. TÌNH HÌNH VÀ NGUYÊN NHÂN
Những năm qua, tổ chức Công đoàn Hà Tĩnh đã có sự phát triển nhanh về số lượng, hoạt động ngày càng hiệu quả, việc chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp được tăng cường; công tác kiểm tra, giám sát hoạt động công đoàn được quan tâm, từng bước nâng cao vị thế của tổ chức công đoàn, khẳng định được vai trò, vị trí, là chỗ dựa tin cậy của đoàn viên, người lao động, góp phần chung vào sự phát triển kinh tế- xã hội bền vững của tỉnh nhà.
Trong hai năm 2018, 2019 công đoàn các cấp đã tiến hành 1.341 cuộc kiểm tra việc chấp hành Điều lệ công đoàn Việt Nam và công tác quản lý sử dụng tài chính, tài sản công đoàn. Trong đó, Liên đoàn Lao động tỉnh tiến hành kiểm tra 17 cuộc, công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở kiểm tra 1.324 cuộc. Qua kiểm tra đã giúp ban thường vụ, ban chấp hành công đoàn các cấp nâng cao trách nhiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và quản lý, sử dụng tài chính tài sản công đoàn. Ban chấp hành, ban thường vụ công đoàn các cấp đã kịp thời xử lý, trả lời 71 đơn thư khiếu nại, tố cáo, qua đó bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho 190 đoàn viên, người lao động. Công tác tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác kiểm tra công đoàn được quan tâm và đã tổ chức 15 lớp tập huấn nghiệp vụ kiểm tra, giám sát cho 2.653 cán bộ công đoàn các cấp.
Mặc dù công tác kiểm tra và hoạt động của ủy ban kiểm tra (UBKT) công đoàn các cấp công đoàn đã được Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động tỉnh quan tâm chỉ đạo nhưng hiệu quả đạt được vẫn có mặt còn hạn chế, nhất là đối với công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở và cấp cơ sở công tác kiểm tra còn hình thức; quy trình, chất lượng kiểm tra chưa đảm bảo, còn lẫn lộn giữa kiểm tra đánh giá xếp loại thi đua với kiểm tra việc chấp hành Điều lệ, kiểm tra tài chính công đoàn; sau kiểm tra nhiều đơn vị chưa ban hành kết luận kiểm tra và giám sát việc thực hiện kết luận kiểm tra. Việc giải quyết và tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo chưa kịp thời. Chế độ thông tin báo cáo và chế độ sinh hoạt của UBKT chưa đảm bảo, chất lượng chưa cao.
Những hạn chế, khuyết điểm trên có nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu là do nhận thức về vai trò, chức năng nhiệm vụ của công tác kiểm tra công đoàn trong đội ngũ cán bộ công đoàn và hệ thống công đoàn chưa đồng đều, chưa được quan tâm đúng mức; cán bộ làm công tác kiểm tra công đoàn chủ yếu kiêm nhiệm, trình độ, nghiệp vụ kiểm tra còn hạn chế; chưa dành thời gian cho công tác kiểm tra công đoàn. Các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ, Ủy viên Ban Chấp hành, các ban Liên đoàn Lao động tỉnh trong lãnh đạo, chỉ đạo chưa thường xuyên gắn với chỉ đạo công tác kiểm tra; Văn phòng UBKT Liên đoàn Lao động tỉnh chỉ đạo chuyên môn công tác kiểm tra, giám sát tại công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở chưa sâu; việc hướng dẫn thực hiện kiểm tra, giám sát đối với công đoàn cấp dưới chưa thường xuyên...
II. MỤC TIÊU, CHỈ TIÊU
1. Mục têu
- Tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động trong cán bộ công đoàn các cấp trước hết trong ban chấp hành và người đứng đầu ban chấp hành về vai trò, nhiệm vụ của công tác kiểm tra và hoạt động của ủy ban kiểm tra công đoàn.
- Nâng cao hiệu quả, hiệu lực công tác kiểm tra, giám sát công đoàn, từng bước nâng cao chất lượng hoạt động của UBKT công đoàn các cấp đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ góp phần xây dựng tổ chức Công đoàn Hà Tĩnh vững mạnh.
2. Chỉ tiêu
- Hàng năm, UBKT Liên đoàn Lao động tỉnh và 100% UBKT công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở, trên 50% công đoàn cơ sở tổ chức kiểm tra tài chính cùng cấp;
- Hàng năm, Liên đoàn Lao động tỉnh tổ chức kiểm tra ít nhất 20% công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở. Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở kiểm tra ít nhất 15% công đoàn CĐCS;
- 100% dấu hiệu vi phạm khi phát hiện được kiểm tra, xử lý kịp thời;
- 100% đơn khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền công đoàn được xử lý và 70% đơn khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền cơ quan nhà nước và tổ chức khác liên quan đến quyền lợi của đoàn viên, người lao động được công đoàn có văn bản tham gia thể hiện rõ quan điểm giải quyết;
- 100% cán bộ chuyên trách UBKT Liên đoàn Lao động tỉnh và ít nhất 80% cán bộ chuyên trách UBKT công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở có trình độ đại học, trong đó số cán bộ được bố trí mới từ năm 2020 trở đi phấn đấu cơ cấu 50% về chuyên ngành tài chính, kế toán; 50% được đào tạo về chuyên ngành luật và các ngành khác.
- Trong nhiệm kỳ 100% cán bộ UBKT công đoàn cấp trên cơ sở và 70% trở lên cán bộ ủy ban kiểm tra công đoàn cơ sở được bồi dưỡng nghiệp vụ công tác kiểm tra và công đoàn.
III. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP
1. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về nhiệm vụ, vai trò, ý nghĩa của việc kiểm tra công đoàn, tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức trong cán bộ công đoàn mà trước hết là trong ban chấp hành và người đứng đầu ban chấp hành về công tác kiểm tra công đoàn và hoạt động của UBKT công đoàn.
2. Tiếp tục đổi mới phương pháp hoạt động của UBKT; ban chấp hành công đoàn các cấp có trách nhiệm chỉ đạo xây dựng và thực hiện quy chế, chương trình, kế hoạch công tác của UBKT. Hàng năm UBKT công đoàn các cấp căn cứ Nghị quyết 6b/NQ-TLĐ ngày 03/8/2015 của Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Nghị quyết của Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động tỉnh về “Nâng cao chất lượng kiểm tra công đoàn và hoạt động UBKT công đoàn các cấp giai đoạn 2020- 2025 và những năm tiếp theo”, chương trình công tác kiểm tra toàn khóa của ban chấp hành công đoàn cùng cấp để triển khai kế hoạch kiểm tra; tập trung kiểm tra công tác lãnh đạo chỉ đạo của ban chấp hành; kiểm tra việc thu, phân phối, sử dụng, quản lý tài chính, tài sản công đoàn; kịp thời giải quyết và tham gia giải quyết khiếu nại tố cáo; giám sát việc thực hiện các kết luận sau kiểm tra…
3. Nâng cao chất lượng các cuộc kiểm tra, lựa chọn nội dung kiểm tra phù hợp, có trọng tâm, trọng điểm; đảm bảo nguyên tắc và quy trình kiểm tra. Khi kiểm tra Điều lệ phải kiểm tra việc thực hiện các nguyên tắc đã quy định tại Điều lệ, kiểm tra việc triển khai thực hiện nhiệm vụ của công đoàn và kiểm tra việc thực hiện quyền của Công đoàn theo quy định của pháp luật. Kiểm tra tài chính phải thể hiện rõ trong biên bản, báo cáo kiểm tra về các số liệu quản lý tài chính công đoàn. Kết luận kiểm tra phải khách quan, trung thực, đánh giá đúng ưu điểm, khuyết điểm, tồn tại hạn chế, kiến nghị xử lý kịp thời các vi phạm (nếu có).
4. Tập trung giải quyết dứt điểm các đơn thư khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của công đoàn; tham gia với các cơ quan chức năng của nhà nước và người sử dụng lao động giải quyết khiếu nại, tố cáo của đoàn viên, người lao động nhằm thực hiện quyền kiểm tra, giám sát của công đoàn theo quy định của Nhà nước và của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động.
5. Rà soát, kiện toàn tổ chức bộ máy UBKT công đoàn các cấp, đảm bảo cán bộ làm công tác kiểm tra công đoàn phải được tập huấn nghiệp vụ về công tác kiểm tra, giám sát và đủ điều kiện hoàn thành nhiệm vụ kiểm tra công đoàn trong tình hình mới.
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
- Các đồng chí ủy viên Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động tỉnh có trách nhiệm chỉ đạo các cấp công đoàn triển khai thực hiện Nghị quyết trên cơ sở Đề án “Nâng cao chất lượng công tác kiểm tra công đoàn và hoạt động của UBKT công đoàn các cấp giai đoạn 2020 - 2025 và những năm tiếp theo” đã được Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động tỉnh thông qua; bảo đảm tạo điều kiện thuận lợi cho công tác kiểm tra công đoàn và hoạt động của UBKT công đoàn các cấp.
- Các ban Liên đoàn Lao động tỉnh theo chức năng nhiệm vụ của mình phối hợp với UBKT tổ chức thực hiện Nghị quyết. Văn phòng UBKT Liên đoàn Lao động tỉnh chủ trì phối hợp với Ban Tài chính tham mưu bố trí kinh phí đảm bảo nâng cao chất lượng công tác kiểm tra của tổ chức công đoàn, đảm bảo đưa Nghị quyết đi vào thực tiễn hoạt động trong các cấp công đoàn. Hàng năm thực hiện đánh giá chất lượng hoạt động kiểm tra công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở làm tiêu chí để xếp loại thi đua.
- Ban chấp hành, ban thường vụ công đoàn các cấp xây dựng chương trình hành động thực hiện Nghị quyết. Chỉ đạo cán bộ làm công tác kiểm tra công đoàn nêu cao tinh thần trách nhiệm, đổi mới phương pháp hoạt động để nâng cao hiệu quả kiểm tra, giám sát đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ hoạt động công đoàn.
- Ủy ban Kiểm tra Liên đoàn Lao động tỉnh có trách nhiệm cụ thể hóa Nghị quyết thành chương trình, kế hoạch kiểm tra và tổ chức thực hiện; tăng cường hướng dẫn nghiệp vụ kiểm tra công đoàn. Theo dõi, đôn đốc việc triển khai Nghị quyết, tổng hợp báo cáo Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động tỉnh theo định kỳ và khi có yêu cầu.
Nghị quyết này được phổ biến đến các công đoàn cơ sở./.
- UBKT Tổng LĐLĐ Việt Nam (B/cáo); - UBKT Tỉnh ủy; - Thường trực, BTV, BCH LĐLĐ tỉnh; - Các ban LĐLĐ tỉnh; - CĐ cấp trên trực tiếp cơ sở; - CĐCS trực thuộc LĐLĐ tỉnh; - Ủy viên UBKT LĐLĐ tỉnh; - Lưu VT, UBKT. |
TM. BAN THƯỜNG VỤ CHỦ TỊCH
(đã ký)
Nguyễn Văn Danh |
Hôm nay : 0
Tháng này : 32577