Câu hỏi : Tôi đang làm công nhân tại công ty X. Gần đây, tôi thỉnh thoảng bị quản lý khu vực gạ gẫm, quấy rối tình dục. Vậy trong trường hợp này tôi nên làm gì? Người hỏi: Lê Thị X (Ngày hỏi:03/06/2024) |
Câu trả lời : Cơ quan trả lời: Ban Chính sách - Pháp luật LĐLĐ tỉnh Ngày trả lời: 03/06/2024 Vấn đề bạn hỏi Ban Chính sách - Pháp luật LĐLĐ tỉnh trả lời như sau: Quấy rối tình dục tại nơi làm việc là gì? Căn cứ khoản 9 Điều 3 Bộ luật Lao Đông 2019, quấy rối tình dục tại nơi làm việc được quy định như sau: - Quấy rối tình dục tại nơi làm việc là hành vi có tính chất tình dục của bất kỳ người nào đối với người khác tại nơi làm việc mà không được người đó mong muốn hoặc chấp nhận. - Nơi làm việc là bất kỳ nơi nào mà người lao động thực tế làm việc theo thỏa thuận hoặc phân công của người sử dụng lao động. Bên cạnh đó, quấy rối tình dục theo khoản 2 Điều 84 Nghị định 145/2020/NĐ-CP còn bao gồm những hành vi sau: - Hành vi mang tính thể chất gồm hành động, cử chỉ, tiếp xúc, tác động vào cơ thể mang tính tình dục hoặc gợi ý tình dục. - Quấy rối tình dục bằng lời nói gồm lời nói trực tiếp, qua điện thoại hoặc qua phương tiện điện tử có nội dung tình dục hoặc có ngụ ý tình dục. - Quấy rối tình dục phi lời nói gồm ngôn ngữ cơ thể; trưng bày, miêu tả tài liệu trực quan về tình dục hoặc liên quan đến hoạt động tình dục trực tiếp hoặc qua phương tiện điện tử. Xử lý quấy rối tình dục tại nơi làm việc như thế nào? Căn cứ Điều 118 Bộ luật Lao động 2019 quy định về nội quy lao động thì người sử dụng lao động buộc phải quy định các nội dung về phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc và trình tự, thủ tục xử lý các hành vi này vào nội quy lao động và phải được niêm yết ở những nơi cần thiết tại nơi làm việc. Căn cứ khoản 1 Điều 85 Nghị định 145/2020/NĐ-CP quy định về người sử dụng lao động về phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc như sau: - Nghiêm cấm hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc; - Quy định chi tiết, cụ thể về các hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc phù hợp với tính chất, đặc điểm của công việc và nơi làm việc; - Trách nhiệm, thời hạn, trình tự, thủ tục xử lý nội bộ đối với hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc, bao gồm cả trách nhiệm, thời hạn, trình tự, thủ tục khiếu nại, tố cáo, giải quyết khiếu nại, tố cáo và các quy định có liên quan; - Hình thức xử lý kỷ luật lao động đối với người thực hiện hành vi quấy rối tình dục hoặc người tố cáo sai sự thật tương ứng với tính chất, mức độ của hành vi vi phạm; - Bồi thường thiệt hại cho nạn nhân và các biện pháp khắc phục hậu quả. Căn cứ khoản 2 Điều 125 Bộ luật Lao động 2019, áp dụng hình thức xử lý kỷ luật sa thải như sau: Áp dụng hình thức xử lý kỷ luật sa thải Hình thức xử lý kỷ luật sa thải được người sử dụng lao động áp dụng trong trường hợp sau đây: ... 2. Người lao động có hành vi tiết lộ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của người sử dụng lao động, có hành vi gây thiệt hại nghiêm trọng hoặc đe dọa gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về tài sản, lợi ích của người sử dụng lao động hoặc quấy rối tình dục tại nơi làm việc được quy định trong nội quy lao động. Theo đó, người có hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc thì có thể bị áp dụng hình thức xử lý kỷ luật lao động sa thải, buộc bồi thường thiệt hại và áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả khác theo quy định pháp luật và nội quy lao động nêu trên. Ngoài ra, căn cứ điểm d khoản 2 Điều 35 Bộ luật Lao động 2019, quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người lao động được quy định như sau; Quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người lao động ... 2. Người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động không cần báo trước trong trường hợp sau đây: ... d) Bị quấy rối tình dục tại nơi làm việc. Như vậy, khi quản lý có hành vi quấy rối tình dục nơi làm việc thì bạn cần phải báo với cấp trên của quản lý công ty bạn để xử lý ngay tình trạng này. Ngoài ra, bạn cũng có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động vì bị quấy rối tình dục tại nơi làm việc. |
[Trở lại] |
Hôm nay : 1153
Tháng này : 38699