Công đoàn Hà Tĩnh

Loading...
Hỏi đáp

Câu hỏi :
Tôi có câu hỏi xin được tư vấn. Do ảnh hưởng dịch Covid 19, đã 4 tháng nay tôi và đồng nghiệp không được nhận lương. Cuộc sống ngày càng chật vật mà công ty chưa hẹn ngày thanh toán. Xin hỏi công ty có thể nợ lương của tôi trong bao lâu? Chúng tôi phải làm thế nào để đòi lương?
Người hỏi: Nguyễn Thị Liên (Ngày hỏi:12/07/2021)
Câu trả lời :
Cơ quan trả lời: Ban CS-PL LĐLĐ tỉnh Ngày trả lời: 12/07/2021

Vấn đề bạn hỏi, Ban CS-PL LĐLĐ tỉnh trả lời như sau:

Căn cứ Khoản 1 điều 94 Bộ luật Lao động 2019 quy định, người sử dụng lao động phải trả lương trực tiếp, đầy đủ, đúng hạn cho người lao động.

Căn cứ theo quy định tại Khoản 4, Điều 97 Bộ luật Lao động 2019, người sử dụng lao động chỉ được chậm lương của người lao động trong trường hợp vì lý do bất khả kháng, người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng không thể trả lương đúng hạn. Tuy nhiên, thời gian không được vượt quá 30 ngày. Nếu trả lương chậm từ 15 ngày trở lên, công ty phải đền bù cho người lao động một khoản tiền lãi của số tiền chậm trả tính theo lãi suất ngân hàng.

Như vậy, công ty của bạn nợ lương nhân viên quá 4 tháng là sai quy định của pháp luật. Do đó, để bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của mình, bạn và đồng nghiệp có thể làm đơn gửi đến Thanh tra lao động yêu cầu bồi thường và đề nghị xem xét xử phạt hành chính về hành vi không trả lương đúng hạn, theo điều 50 Nghị định 28/2020/NĐ-CP.

Công ty có thể bị xử phạt từ 5.000.000 đến 50.000.000 đồng do vi phạm về việc trả lương không đúng hạn, không trả hoặc trả không đủ tiền lương cho người lao động theo thỏa thuận trong hợp đồng. Nếu số lượng người bị trả lương không đúng hạn lớn, người sử dụng lao động sẽ bị phạt mức càng cao.

Cụ thể:

- Phạt từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng với vi phạm từ một người đến 10 người.

- Từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng với vi phạm từ 11 người đến 50 người.

- Từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng với vi phạm từ 51 người đến 100 người.

- Từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng với vi phạm từ 101 người đến 300 người.

- Từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng với vi phạm từ 301 người trở lên.

Mức phạt trên áp dụng cho người sử dụng lao động là cá nhân. Với tổ chức, mức phạt sẽ tăng gấp đôi.

Ngoài ra, công ty phải thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả, buộc trả đủ tiền lương cộng với khoản tiền lãi của số tiền lương chậm trả, tính theo mức lãi suất của các ngân hàng thương mại.

Nếu còn phát sinh tranh chấp, bạn có thể gửi đơn đến Hòa giải viên lao động, theo khoản 1 điều 187 Bộ luật Lao động 2019. Trong thời hạn 5 ngày làm việc, hòa giải viên lao động phải kết thúc việc hòa giải.

Trường hợp hòa giải không thành, các bên tranh chấp có quyền lựa chọn một trong các phương thức sau để giải quyết tranh chấp: yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động can thiệp hoặc yêu cầu tòa án cấp có thẩm quyền nơi công ty có trụ sở giải quyết, theo Bộ luật tố tụng Dân sự 2015./.


[Trở lại]
Thống kê truy cập

Hôm nay : 539

Tháng này : 48590

Tổng truy cập : 52330140