Vào giữa quý 3 năm 1946, Ban Chấp hành lâm thời Hội công nhân cứu quốc tỉnh đã triệu tập hội nghị đại biểu toàn tỉnh tại Dinh đốc học cũ ở Thị xã Hà Tĩnh. Hội nghị có 30 đại biểu về dự gồm toàn thể công nhân nhà đèn, đại biểu công nhân cứu quốc các cơ sở tập trung như Thị xã, gạch ngói Văn Lâm, mộc Thái Yên, rèn Trung Lương…Đồng chí Trần Hữu Duyệt, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban hành chính tỉnh chỉ đạo hội nghị.
1. Đại hội Công đoàn Hà Tĩnh lần thứ I được tổ chức vào giữa tháng 8 năm 1947 tại đình Thuần Thiện xã Phúc Lộc (Can Lộc). Hơn 100 đại biểu thay mặt cho hơn 4.000 đoàn viên dự Đại hội, Đại hội đã quyết định các nhiệm vụ: Củng cố, phát triển tổ chức Công đoàn ở các cơ sở sản xuất công nghiệp và thủ công nghiệp đang hình thành. Đẩy mạnh sản xuất phục vụ kháng chiến, xây dựng Hà Tĩnh thành hậu phương vững chắc. Chú trọng công tác kinh tài để tự lo liệu kinh phí hoạt động. Xây dựng một Xưởng cơ khí trực thuộc Liên đoàn Lao động tỉnh vừa phục vụ quốc phòng, phục vụ sản xuất nông nghiệp, vừa gây quỹ cho Liên đoàn. Đẩy mạnh các phong trào tăng gia sản xuất cứu đói, bình dân học vụ và đời sống mới.
Đại hội đã bầu Ban Chấp hành chính thức gồm 07 ủy viên; bầu đồng chí Nguyễn Ngâm quê ở Thừa Thiên làm Thư ký, đồng chí Đoàn Đào, quê Đức Thọ được làm Phó Thư ký.
Ban Chấp hành làm việc được vài tháng, do nhu cầu công tác, Liên khu 4 điều động đồng chí Nguyễn Ngâm vào Thừa Thiên, phân công làm Thư ký Công đoàn Thừa Thiên nên đồng chí Đoàn Đào được được bầu làm Thư ký Công đoàn Hà Tĩnh.
2. Đại hội Công đoàn Hà Tĩnh lần thứ II họp vào tháng 9 năm 1948, tại Bùi Xá (Đức Thọ), có 120 đại biểu thay mặt cho 7.766 đoàn viên và 20.900 CNLĐ toàn tỉnh về dự Đại hội. Đại hội đã bầu 9 đồng chí vào Ban Chấp hành, đồng chí Đoàn Đào, Tỉnh ủy viên được bầu lại Thư ký Công đoàn Hà Tĩnh.
Đại hội nhấn mạnh công tác củng cố, chuyển hướng tổ chức theo quyền lợi giai cấp, đào tạo cán bộ, đẩy mạnh phát triển sản xuất, tích cực xóa nạn mù chữ trong công nhân và phát động phong trào thi đua Ái quốc trong các cấp công đoàn toàn tỉnh.
3. Đại hội Công đoàn tỉnh Hà Tĩnh lần thứ III được triệu tập vào tháng 8/1950 tại xã Phúc An Ninh (nay là xã Sơn Ninh, huyện Hương Sơn) Hơn 300 đại biểu thay mặt cho hơn 13.400 đoàn viên về dự Đại hội. Đại hội đã bầu Ban Chấp hành gồm 11 uỷ viên; đồng chí Lê Xi, Tỉnh ủy viên được bầu làm Thư ký Công đoàn Hà Tĩnh.
Đại hội lần thứ III đề ra các nhiệm vụ:
- Đẩy mạnh việc xây dựng, cũng cố, bảo vệ hậu phương Hà Tĩnh an toàn vững chắc, ra sức phục vụ tiền tuyến;
- Đẩy mạnh phong trào phá kỷ lục Ngô Văn Phú, quyết tâm giành nhiều kỷ lục cao, bồi dưỡng được nhiều chiến sĩ anh hùng sản xuất;
- Động viên, tổ chức các Công đoàn cơ sở tích cực tăng gia sản xuất, cải thiện sinh hoạt cho đoàn viên, tích cực học tập bổ túc văn hoá và kỹ thuật, thực hiện đời sống mới;
- Tiếp tục phát triển cũng cố Công đoàn, thuần tuý hóa tổ chức, nâng cao lập trường tư tưởng cho công nhân lao động, xây dựng Công đoàn tự động công tác.
Do nhu cầu công tác, đồng chí Lê Xi được điều động và phân công làm nhiệm vụ khác. Tại hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ngày 10/9/1951, đồng chí Trần Quang Đạt - Tỉnh ủy viên được phân công làm Thư ký Công đoàn Hà Tĩnh thay đồng chí Lê Xi.
4. Đại hội Công đoàn tỉnh Hà Tĩnh lần thứ IV được triệu tập vào tháng 10 năm 1952 tại xóm Chùa Đá (Đức Thọ). Lúc này tổng số đoàn viên là 12.621 người. Đại hội bầu Ban Chấp hành gồm 13 Ủy viên chính thức, 2 Ủy viên dự khuyết; đồng chí Nguyễn Văn Vấn, Ủy viên Thường vụ Liên hiệp Công đoàn tỉnh khóa III được bầu làm Thư ký Công đoàn Hà Tĩnh.
Đại hội đề ra những biện pháp đẩy mạnh cuộc đại vận động sản xuất và tiết kiệm, phát động phong trào Ngô Gia Khảm trong toàn thể công nhân lao động Hà Tĩnh.
5. Đại hội Công đoàn Hà Tĩnh lần thứ V được tiến hành vào cuối năm 1959 tại hội trường Ủy ban hành chính tỉnh, có hơn 100 đại biểu tham dự. Đại hội đã bầu Ban Chấp hành gồm 13 uỷ viên, đồng chí Nguyễn Văn Vấn, Tỉnh ủy viên tiếp tục được bầu làm Thư ký Công đoàn.
Đại hội đề ra nhiệm vụ chủ yếu của Công đoàn trong nhiệm kỳ tới ra sức động viên đoàn viên, lao động đoàn kết, quyết tâm hoàn thành kế hoạch 3 năm cải tạo XHCN, ra sức xây dựng và cũng cố tổ chức Công đoàn vững mạnh, chú trọng công tác giáo dục nâng cao lập trường giai cấp cho đoàn viên lao động và chăm lo bảo vệ quyền lợi, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần, nâng cao trình độ văn hoá và chuyên môn cho đoàn viên, lao động.
6. Đại hội Công đoàn Hà Tĩnh lần thứ VI được tiến hành 2 vòng: Vòng 1 từ ngày 9 đến 10/01/1961, vòng 2 từ ngày 5 đến ngày 09/08/1961. Tham dự Đại hội có 208 đại biểu thay mặt cho 6.346 đoàn viên và hơn 12.000 công nhân lao động toàn tỉnh. Đại hội đã bầu Ban Chấp hành gồm 25 ủy viên, trong đó có 21 Ủy viên chính thức, 4 Ủy viên dự khuyết. Đồng chí Trần Thế Lộc, Ủy viên Ban Thường vụ Liên hiệp Công đoàn tỉnh khóa V được bầu làm Thư ký; đồng chí Mai Duy Thiện được bầu làm Phó Thư ký.
Đại hội nhiệm kỳ này đã xác định: Tiếp tục động viên, giáo dục đoàn viên và lao động nâng cao tinh thần yêu nước, yêu CNXH, dũng cảm phấn đấu thành người tiên tiến, tổ tiên tiến, đơn vị tiên tiến, học tập và thi đua với Duyên Hải, không ngừng nâng cao năng suất lao động, nâng cao đời sống công nhân viên chức, hoàn thành vượt mức kế hoạch Nhà nước... góp phần xây dựng miền Bắc vững mạnh, đấu tranh thống nhất nước nhà.
7. Đại hội Công đoàn Hà Tĩnh lần thứ VII được tổ chức từ ngày 18/5 đến ngày 21/5/1964, có 188 đại biểu dự Đại hội thay mặt cho trên 2 vạn cán bộ, công nhân viên chức toàn tỉnh. Tại Đại hội, đồng chí Trần Thế Lộc tái đắc cử Thư ký Liên hiệp Công đoàn; đồng chí Trần Dật được bầu làm Phó Thư ký.
Nghị quyết Đại hội nêu rõ: Phát huy truyền thống yêu nước và cách mạng, tính cần cù, sáng tạo và tinh thần dũng cảm của giai cấp công nhân, giáo dục, bồi dưỡng đội ngũ công nhân viên chức Hà Tĩnh vững về chính trị, giỏi về chuyên môn, hưởng ứng lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch, góp phần vào thắng lợi của sự nghiệp xây dựng CNXH ở miền Bắc, đấu tranh giải phóng miền Nam thống nhất nước nhà.
8. Đại hội Công đoàn Hà Tĩnh lần thứ VIII được tổ chức ở Thạch Vĩnh, Thạch Hà từ ngày 21/6 đến ngày 23/6/1974, có 209 đại biểu dự Đại hội thay mặt cho hơn 44.000 đoàn viên. Hệ thống tổ chức công đoàn toàn tỉnh lúc này có 7 công đoàn ngành, 217 CĐCS, 925 công đoàn bộ phận, 3.648 tổ công đoàn. Đại hội bầu Ban Chấp hành 23 đồng chí. Đồng chí Phan Duy Chiêm, Tỉnh ủy viên được bầu làm Thư ký Liên hiệp Công đoàn. Đồng chí Hồ Sành được bầu làm Phó Thư ký
Đại hội xác định: Tập trung mọi hoạt động của công đoàn vào việc giáo dục CNVC nâng cao giác ngộ giai cấp, ý thức làm chủ tập thể, lao động có kỷ luật, kỷ thuật, có năng suất và hiệu quả kinh tế cao đẩy mạnh đồng thời 3 cuộc cách mạng, tích cực tham gia quản lý kinh tế, quản lý Nhà nước, vận động phong trào lao động sản xuất, cần kiệm xây dựng CNXH thật mạnh mẽ, sôi nổi, liên tục.
Ngày 15/01/1976, Ban Thư ký Tổng Công đoàn Việt Nam ra Quyết nghị số 15/QN-TCĐ về việc hợp nhất Ban Chấp hành Liên hiệp Công đoàn tỉnh Nghệ An và Ban Chấp hành Liên hiệp Công đoàn tỉnh Hà Tĩnh thành Ban Chấp hành Liên hiệp Công đoàn tỉnh Nghệ Tĩnh. Ban Chấp hành Liên hiệp Công đoàn tỉnh Nghệ Tĩnh lâm thời gồm 44 đồng chí. Đồng chí Thái Ngô Tài, Tỉnh ủy viên, Ủy viên Ban Chấp hành Tổng Công đoàn Việt Nam, nguyên Thư ký Liên hiệp Công đoàn tỉnh Nghệ An được chỉ định giữ chức Thư ký. Các đồng chí Phan Duy Chiêm, Vũ Thắng, Hồ Sành được chỉ định giữ chức Phó Thư ký. Sau khi hợp nhất toàn tỉnh có 157.718 CNVCLĐ.
9. Đại hội Công đoàn Nghệ Tĩnh lần thứ IX, Đại hội đầu tiên kể từ khi hợp tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh, được tổ chức từ ngày 17/8 đến ngày 19/8/1977 tại Nhà bạt Thành phố Vinh, có 500 đại biểu, đại diện cho hơn 17 vạn đoàn viên, công nhân, viên chức trên toàn tỉnh về dự. Đại hội đã bầu 41 đồng chí vào Ban Chấp hành Liên hiệp Công đoàn tỉnh Nghệ Tĩnh khóa IX. Đồng chí Thái Ngô Tài, Tỉnh ủy viên, được bầu lại giữ chức Thư ký; đồng chí Chu Văn Choan được bầu giữ chức Phó Thư ký Liên hiệp Công đoàn tỉnh Nghệ Tĩnh.
Nghị quyết Đại hội nêu rõ: Phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động, xây dựng đội ngũ CNVCLĐ trưởng thành về mọi mặt, hăng hái đi đầu trong 3 cuộc cách mạng, vận động công nhân, viên chức thi đua lao động sản xuất, thực hành tiết kiệm... ra sức tổ chức, chăm lo đời sống và vận động công nhân viên chức tổ chức tốt đời sống vật chất, văn hóa. Cải tiến phương pháp hoạt động công đoàn, xây dựng các cấp công đoàn vững mạnh, hoàn thành mọi nhiệm vụ của Đảng trong giai đoạn mới.
10. Đại hội Công đoàn Nghệ Tĩnh lần thứ X được tổ chức từ ngày 01/6 đến ngày 03/6/1981 tại Hội trường Xây dựng Việt Đức - Thành phố Vinh, có 451 đại biểu dự Đại hội. Đại hội đã bầu ra Ban Chấp hành Liên hiệp Công đoàn tỉnh Nghệ Tĩnh khóa X gồm 45 đồng chí. Đồng chí Thái Ngô Tài, Tỉnh ủy viên, được bầu lại làm Thư ký; đồng chí Chu Văn Choan được bầu lại làm Phó Thư ký.
Nghị quyết Đại hội nêu rõ: Phát động mạnh mẽ và sâu rộng phong trào làm chủ tập thể của CNVCLĐ, thi đua đẩy mạnh sản xuất, tiết kiệm, sẵn sàng chiến đấu, cải tiến tổ chức, chuyển mạnh phương pháp hoạt động của các cấp công đoàn... chăm lo đời sống người lao động, phát huy tinh thần tự lực, tự cường, lao động sáng tạo để hoàn thành nhiệm vụ.
11. Đại hội Công đoàn Nghệ Tĩnh lần thứ XI được tổ chức từ ngày 10/8 đến ngày 13/8/1983 tại Hội trường Nhà nghỉ Cửa Lò, có 302 đại biểu thay mặt cho hơn 219.000 công nhân, viên chức sinh hoạt trong 1.566 Công đoàn cơ sở về dự Đại hội. Đồng chí Thái Ngô Tài tái đắc cử Thư ký Liên hiệp Công đoàn tỉnh Nghệ Tĩnh; đồng chí Chu Văn Choan tái đắc cử Phó Thư ký.
Đại hội đề ra nhiệm vụ: Phát động CNVCLĐ nêu cao tinh thần làm chủ tập thể, ý thức tự lực, tự cường, khai thách mọi tiềm năng, thi đua hoàn thành kế hoạch Nhà nước giai đoạn 1981-1985.
12. Đại hội Công đoàn Nghệ Tĩnh lần thứ XII được tổ chức từ ngày 16/8 đến ngày 18/8/1988 tại Nhà văn hoá Lao động Thành phố Vinh, có 450 đại biểu đại diện cho gần 23 vạn đoàn viên, công nhân, viên chức lao động về dự Đại hội. Đại hội đã bầu ra Ban Chấp hành Liên hiệp Công đoàn tỉnh Nghệ Tĩnh khóa XII gồm 47 đồng chí. Đồng chí Nguyễn Thế Quế, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy được bầu làm Thư ký; đồng chí Phan Đình Kháng được bầu làm Phó Thư ký.
Đại hội đề ra nhiệm vụ: Phải ra sức xây dựng CĐCS vững mạnh, đủ sức vận động, tổ chức, giáo dục, động viên cán bộ, đoàn viên, CNVC đi đầu trong thực hiện đường lối đổi mới của Đảng.
Ngày 21/8/1991, Ban Thư ký Tổng LĐLĐ Việt Nam có quyết định thành lập Ban Chấp hành lâm thời Công đoàn tỉnh Hà Tĩnh, cử 10 đồng chí trong Ban Chấp hành Liên đoàn Lao động tỉnh Nghệ Tĩnh tham gia Ban Chấp hành lâm thời Công đoàn tỉnh Hà Tĩnh. Đồng chí Phan Đình Kháng, nguyên Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Nghệ Tĩnh được chỉ định làm Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Hà Tĩnh.
Ngay 02/10/1991, Ban Chấp hành Liên đoàn Lao động tỉnh đã triệu tập hội nghị cốt cán toàn tỉnh. Hội nghị đã bầu bổ sung 5 đồng chí vào Ban Chấp hành Liên đoàn Lao động tỉnh. Đồng chí Dương Hữu Giáo, đại biểu Quốc hội khóa VIII, Chánh Văn phòng Liên đoàn Lao động tỉnh Nghệ Tĩnh khóa XII được bầu giữ chức Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh.
13. Đại hội Công đoàn Hà Tĩnh lần thứ XIII được tổ chức từ ngày 12/3 đến ngày 14/3/1993 tại Thị xã Hà Tĩnh, có 200 đại biểu thay mặt cho hơn 3,5 vạn đoàn viên, CNVCLĐ về dự Đại hội. Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Liên đoàn Lao động tỉnh gồm 29 đồng chí. Đồng chí Phan Đình Kháng, Tỉnh ủy viên được bầu lại giữ chức Chủ tịch; đồng chí Dương Hữu Giáo được bầu lại làm Phó Chủ tịch.
Đại hội đề ra 5 nhiệm vụ: Giải quyết việc làm và chăm lo đời sống, bảo vệ lợi ích chính đáng của CNLĐ. Đa dạng hóa các hoạt động xã hội của công đoàn, giúp công nhân lao động giải quyết khó khăn về đời sống. Đổi mới công tác vận động phong trào thi đua và tham gia quản lý Nhà nước. Đổi mới công tác truyền thông, giáo dục nâng cao trình độ chính trị, văn hóa, tay nghề, nghiệp vụ cho CNLĐ. Đổi mới tổ chức và cán bộ, nâng cao năng lực và bản lĩnh đội ngũ cán bộ công đoàn.
14. Đại hội Công đoàn Hà Tĩnh lần thứ XIV được tổ chức từ ngày 02/6 đến ngày 04/6/1998 tại Hội trường Tỉnh ủy Hà Tĩnh, có 235 đại biểu đại diện cho hơn 3,5 vạn đoàn viên, CNVCLĐ về dự Đại hội. Đại hội đã bầu 31 đồng chí vào Ban Chấp hành Liên đoàn Lao động tỉnh. Đồng chí Dương Hữu Giáo được bầu làm Chủ tịch. Đồng chí Thái Quốc Văn và đồng chí Nguyễn Thị Đài được bầu làm Phó Chủ tịch.
Đại hội đã đề ra 7 Chương trình: Chương trình phục vụ nông nghiệp nhằm đẩy mạnh sự nghiệp CNH, HĐH nông nghiệp và nông thôn; tham gia giải quyết việc làm, chăm lo đời sống CNLĐ và đẩy mạnh các hoạt động xã hội; đào tạo công nhân, viên chức, lao động; xây dựng đời sống văn hóa cơ sở; nhà ở của công nhân, viên chức, lao động; phát triển lực lượng và xây dựng CĐCS vững mạnh; phát triển kinh tế, tài chính của công đoàn.
Thực hiện chỉ đạo của Tổng LĐLĐ Việt Nam theo công văn số 979/TLĐ ngày 23/8/1996 và của Ban Thường vụ Tỉnh ủy tại Thông báo số 372-TB/TU ngày 10/4/2000. Trong năm 2000, LĐLĐ tỉnh đã tiến hành tái lập các LĐLĐ cấp huyện. Ngày 24/5 công bố quyết định thành lập LĐLĐ huyện Hương Khê; ngày 14/6 ra mắt LĐLĐ thị xã Hồng Lĩnh, ngày 16/6 ra mắt LĐLĐ huyện Đức Thọ. Các huyện còn lại ra mắt vào tháng 7 và quý 3/2000 gồm: LĐLĐ huyện Kỳ Anh, LĐLĐ huyện Can Lộc, LĐLĐ huyện Thạch Hà, LĐLĐ huyện Cẩm Xuyên, LĐLĐ huyện Nghi Xuân, LĐLĐ huyện Hương Sơn. Ngày 25/4/2001, LĐLĐ huyện Vũ Quang được thành lập. Ngày 23/4/2001, Công đoàn Viên chức tỉnh được thành lập.
15. Đại hội Công đoàn Hà Tĩnh lần thứ XV được tổ chức từ ngày 14/7 đến ngày 15/7/2003 tại Hội trường UBND tỉnh, có 235 đại biểu đại diện cho hơn 4 vạn đoàn viên, CNVCLĐ về dự Đại hội. Đại hội đã bầu 35 đồng chí vào Ban Chấp hành Liên đoàn Lao động tỉnh. Đồng chí Dương Hữu Giáo, Tỉnh ủy viên được bầu lại giữ chức Chủ tịch. Đồng chí Nguyễn văn Sơn và đồng chí Nguyễn Thị Phương Lan được bầu giữ chức Phó Chủ tịch.
Đại hội đã xác định nhiệm vụ chủ yếu là: Giáo dục, rèn luyện đội ngũ CNVCLĐ lớn mạnh về mọi mặt, đi đầu trong sự nghiệp CNH, HĐH quê hương, đất nước. Phát động các phong trào thi đua, yêu nước sôi nổi, rộng khắp, thiết thực, hiệu quả trong CNVCLĐ. Chăm lo bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của CNVCLĐ. Đoàn kết tập hợp đoàn viên, phát triển mạnh mẽ tổ chức công đoàn trong các thành phần kinh tế. Nâng cao năng lực, trình độ cán bộ công đoàn. Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động công đoàn, xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh; tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch vững mạnh.
Sau khi huyện Lộc Hà được thành lập, ngày 03/5/2007 Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh đã ban hành Quyết định số 65/QĐ-LĐLĐ về việc thành lập LĐLĐ huyện Lộc Hà. Sau khi UBND tỉnh có Quyết định hợp nhất một số Sở, ngày 16/4/2008, Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh đã ban hành Quyết định số 55/QĐ-LĐLĐ về việc thành lập Công đoàn ngành Công thương (trên cơ sở hợp nhất giữa Công đoàn ngành Thương mai Du lịch với Công đoàn ngành Thương nghiệp) và Quyết định số 57/QĐ-LĐLĐ về việc thành lập Công đoàn ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (trên cơ sở hợp nhất giữa Công đoàn ngành Thủy sản với Công đoàn ngành Nông nghiệp).
16. Đại hội Công đoàn Hà Tĩnh lần thứ XVI được tổ chức từ ngày 22/5 đến ngày 23/5/2008 tại Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Hà Tĩnh. Có 246 đại biểu đại diện cho hơn 52.000 đoàn viên, CNVCLĐ về dự Đại hội. Đại hội bầu Ban Chấp hành nhiệm kỳ mới gồm 39 đồng chí. Đồng chí Nguyễn Văn Thanh được bầu giữ chức Chủ tịch LĐLĐ tỉnh; đồng chí Trần Danh Tương, đồng chí Trần Đắc Hòa, đồng chí Dương Thị Hằng được bầu giữ chức Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh.
Đại hội đề ra phương hướng hoạt động công đoàn trong nhiệm kỳ là: Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, tăng cường phát triển đoàn viên và xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh. Coi trọng việc chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, CNVCLĐ. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục và tổ chức các phong trào thi đua hành động cách mạng sâu rộng trong CNVCLĐ. Chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn.
17. Đại hội Công đoàn Hà Tĩnh lần thứ XVII được tổ chức từ ngày 14/3 đến ngày 15/3/2013 tại Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Hà Tĩnh. Có 248 đại biểu đại diện cho hơn 65.000 đoàn viên, CNVCLĐ về dự Đại hội. Đại hội bầu Ban Chấp hành nhiệm kỳ mới gồm 39 đồng chí. Đồng chí Nguyễn Văn Thanh, Tỉnh ủy viên, nguyên Chủ tịch LĐLĐ tỉnh khóa XVI tái cử chức Chủ tịch LĐLĐ tỉnh khóa XVII; đồng chí Trần Danh Tương, Trần Đắc Hòa, Dương Thị Hằng tái cử chức Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh.
Đại hội đã đề ra mục tiêu, phương hướng nhiệm kỳ 2013 - 2018: Tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động công đoàn theo hướng vì đoàn viên và người lao động, vì sự phát triển bền vững của đất nước; tập trung hướng về cơ sở, thực hiện tốt chức năng chăm lo, đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên và người lao động; tham gia có hiệu quả vào công tác quản lý nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội; nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục và tổ chức thi đua yêu nước trong đoàn viên và người lao động; đẩy mạnh công tác phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở, chăm lo đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công đoàn, xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh, góp phần xây dựng giai cấp công nhân ngày càng lớn mạnh, xứng đáng là lực lượng nòng cốt, đi đầu trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Đến tháng 7/2014, Ban Chấp hành LĐLĐ tỉnh khóa XVII bầu đồng chí Lê Thị Hải Yến, Chủ tịch LĐLĐ thị xã Hồng Lĩnh giữ chức Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh. Đến tháng 02/2017, Ban Chấp hành LĐLĐ tỉnh khóa XVII bầu đồng chí Ngô Đình Vân, Phó Trưởng ban Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh, Ủy viên Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động tỉnh giữ chức Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh.
Sau khi huyện Kỳ Anh được chia tách thành huyện Kỳ Anh và thị xã Kỳ Anh, ngày 15/6/2015 Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh đã ban hành Quyết định số 72/QĐ-LĐLĐ về việc thành lập LĐLĐ thị xã Kỳ Anh. Với sự phát triển mạnh mẽ của Khu kinh tế Vũng Áng, hoạt động công đoàn đòi hỏi phải sâu sát, gần gũi hơn với công nhân lao động, ngày 12/4/2016 Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh đã ban hành Quyết định số 47/QĐ-LĐLĐ về việc thành lập Công đoàn các Khu kinh tế tỉnh.
18. Đại hội Công đoàn Hà Tĩnh lần thứ XVIII được tổ chức từ ngày 15/01 đến ngày 16/01/2018 tại Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Hà Tĩnh. Có 250 đại biểu đại diện cho hơn 82.000 đoàn viên, CNVCLĐ về dự Đại hội. Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Liên đoàn Lao động tỉnh khóa XVIII, nhiệm kỳ 2018 - 2023 gồm 39 đồng chí. Đồng chí Nguyễn Văn Danh, Tỉnh ủy viên, nguyên Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Kỳ Anh được bầu giữ chức Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Hà Tĩnh; đồng chí Ngô Đình Vân và đồng chí Lê Thị Hải Yến tái cử chức Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh; đồng chí Nguyễn Văn Trọng được bầu giữ chức Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh.
Đại hội đã đề ra mục tiêu, phương hướng nhiệm kỳ 2018 - 2023: Tập trung đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, hướng về cơ sở, về người lao động, lấy đoàn viên và người lao động làm trung tâm hoạt động; chăm lo đời sống vật chất và tinh thần, đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của CNVCLĐ; tăng cường phát triển lợi ích đoàn viên; đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục, nâng cao bản lĩnh chính trị, ý thức chấp hành pháp luật, trình độ về mọi mặt cho CNVCLĐ; Công đoàn đồng hành vì sự phát triển bền vững của doanh nghiệp, xây dựng quan hệ lao động hài hoà, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp; đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước trong CNVCLĐ hướng vào thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ quan, đơn vị; tập trung phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS, xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công đoàn; tăng cường công tác vận động nữ CNVCLĐ góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển KT-XH, đảm bảo quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.
19. Đại hội Công đoàn Hà Tĩnh lần thứ XIX được tổ chức từ ngày 25/9 – 26/9/2023 tại Trung tâm Văn hóa – Điện ảnh tỉnh Hà Tĩnh. Có 250 đại biểu chính thức đại diện cho hơn 70 nghìn đoàn viên về dự Đại hội. Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Liên đoàn Lao động tỉnh khóa XIX, nhiệm kỳ 2023 - 2028 gồm 36 đồng chí. Nguyễn Văn Danh, Tỉnh ủy viên, nguyên Chủ tịch LĐLĐ tỉnh khóa XVIII tái cử chức Chủ tịch LĐLĐ tỉnh khóa XIX; đồng chí Ngô Đình Vân, Nguyễn Văn Trọng, Lê Thị Hải Yến tái cử chức Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh.
Đến tháng 6/2024, Ban Chấp hành LĐLĐ tỉnh khóa XIX bầu đồng chí Tăng Thị Linh Chi, Nguyên Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh giữ chức Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh thay đồng chí Lê Thị Hải Yến chuyển công tác.
Đại hội đã đề ra mục tiêu nhiệm kỳ 2023 - 2028: Xây dựng Công đoàn Hà Tĩnh vững mạnh toàn diện, bảo đảm thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ trong tình hình mới; hoàn thành đạt và vượt các mục tiêu, nhiệm vụ Tổng Liên đoàn Lao động và Ban Thường vụ Tỉnh uỷ giao, xây dựng đội ngũ CNLĐ tiên tiến, lớn mạnh xứng đáng là lực lượng tiên phong trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Hà Tĩnh.
Đại hội XIX Công đoàn Hà Tĩnh đề ra 08 nhóm chỉ tiêu phấn đấu hàng năm; 05 nhóm chỉ tiêu đến hết nhiệm kỳ và 03 khâu đột phá:
(1) Tập trung đối thoại, thương lượng tập thể mang lại lợi ích cho đoàn viên, người lao động, trọng tâm là tiền lương, tiền thưởng, BHXH, điều kiện và thời giờ làm việc.
(2) Đẩy mạnh phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS; xây dựng đội ngũ ban chấp hành CĐCS đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, nhất là chủ tịch công đoàn cơ sở khu vực doanh nghiệp.
(3) Cán bộ, đoàn viên công đoàn tiên phong tham gia cải cách hành chính và chuyển đổi số; tập trung nguồn lực chuyển đổi số toàn diện trong hoạt động công đoàn.
Hôm nay : 1673
Tháng này : 39338