Công đoàn Hà Tĩnh

Loading...
Hỏi đáp

Câu hỏi :
Tôi nghỉ việc tại công ty cũ từ tháng 06/2020, tại thời điểm nghỉ việc khi bàn giao sổ BHXH thì tôi phát hiện công ty không đóng BHXH cho tôi từ tháng 07/2018 mà đến tháng 04/2019 mới đóng. Hơn nữa công ty cũng giữ một khoản tiền ký quỹ của tôi là 9 triệu đồng, nhưng đến nay vẫn lấy rất nhiều lý do để trì hoãn việc thanh toán lại khoản tiền đó. Vậy trường hợp này tôi nên làm gì?
Người hỏi: Trần Nghĩa (Ngày hỏi:28/01/2021)
Câu trả lời :
Cơ quan trả lời: Hội đồng tuyên truyền, TVPL Công đoàn Hà Tĩnh Ngày trả lời: 28/01/2021

Vấn đề bạn hỏi, Hội đồng tuyên truyền, TVPL Công đoàn Hà Tĩnh trả lời như sau:

Thứ nhất, theo thông tin bạn cung cấp về việc công ty không đóng BHXH cho bạn từ tháng 07/2018 mà đến tháng 04/2019 mới đóng:

Căn cứ theo Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định về các đối tượng bắt buộc phải tham gia bảo hiểm xã hội, nếu người lao động đã ký hợp đồng từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng (đối với hợp đồng lao động có thời hạn) hoặc từ đủ 3 tháng trở lên thì theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, công ty có trách nhiệm tham gia bảo hiểm bắt buộc cho bạn.

Theo thông tin bạn cung cấp, công ty không đóng BHXH cho người lao động trong khoảng thời gian từ tháng 07/2018 đến hết tháng 03/2019, tức là đã vi phạm quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội được quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 17 Luật bảo hiểm xã hội 2014, cụ thể:

“Điều 17. Các hành vi bị nghiêm cấm:

1. Trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp.

2. Chậm đóng tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp”

Khi đó, công ty sẽ bị xử lý theo quy định tại Điều 122 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 như sau:

“3. Người sử dụng lao động có hành vi vi phạm quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 17 của Luật này từ 30 ngày trở lên thì ngoài việc phải đóng đủ số tiền chưa đóng, chậm đóng và bị xử lý theo quy định của pháp luật, còn phải nộp số tiền lãi bằng 02 lần mức lãi suất đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội bình quân của năm trước liền kề tính trên số tiền, thời gian chậm đóng; nếu không thực hiện thì theo yêu cầu của người có thẩm quyền, ngân hàng, tổ chức tín dụng khác, kho bạc nhà nước có trách nhiệm trích từ tài khoản tiền gửi của người sử dụng lao động để nộp số tiền chưa đóng, chậm đóng và lãi của số tiền này vào tài khoản của cơ quan bảo hiểm xã hội”. 

Như vậy, khi công ty không đóng hoặc trốn đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 30 ngày trở lên thì sẽ phải đóng đủ số tiền chưa đóng, chậm đóng và phải nộp số tiền lãi bằng 02 lần mức lãi suất đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội bình quân của năm trước liền kề tính trên số tiền, thời gian chậm đóng. Bên cạnh đó, tùy từng trường hợp còn bị xử phạt hành chính theo quy định tại Điều 38 Nghị định 28/2020/NĐ-CP ngày 01/3/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. 

Về trách nhiệm hoàn trả và xác nhận sổ bảo hiểm của công ty

Căn cứ Điều 48 Bộ luật Lao động 2019 quy định về trách nhiệm khi chấm dứt hợp đồng lao động như sau:

1. Trong thời hạn 14 ngày làm việc kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, hai bên có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản tiền có liên quan đến quyền lợi của mỗi bên, trừ trường hợp sau đây có thể kéo dài nhưng không được quá 30 ngày:……….

3. Người sử dụng lao động có trách nhiệm sau đây:

a) Hoàn thành thủ tục xác nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và trả lại cùng với bản chính giấy tờ khác nếu người sử dụng lao động đã giữ của người lao động;

b) Cung cấp bản sao các tài liệu liên quan đến quá trình làm việc của người lao động nếu người lao động có yêu cầu. Chi phí sao, gửi tài liệu do người sử dụng lao động trả”.

Như vậy khi bạn chấm dứt hợp đồng lao động tại công ty, công ty có trách nhiệm hoàn thành thủ tục xác nhận và trả lại sổ bảo hiểm cho bạn. Vì công ty đang nợ bảo hiểm nên phía bạn có thể gửi yêu cầu đến công ty để công ty gửi công văn giải trình đến cơ quan bảo hiểm xã hội ưu tiên chốt bảo hiểm cho bạn trước để đảm bảo quyền lợi (giải quyết chế độ liên quan tới bảo hiểm) khi chấm dứt hợp đồng. 

Trường hợp công ty không thực hiện bạn có thể lựa chọn một trong hai phương thức sau để giải quyết từ đó đảm bảo quyền lợi của mình. Một là thông qua thủ tục khiếu nại lần đầu đến trực tiếp công ty, nếu doanh nghiệp không giải quyết bạn có quyền khiếu nại lần hai đến Chánh thanh tra Sở lao động thương binh xã hội nơi công ty có trụ sở. Hai là thông qua thủ tục khởi kiện yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động tại Tòa án nhân dân quận/huyện nơi công ty có trụ sở hoặc nơi bạn cư trú. Trường hợp bạn thực hiện thủ tục khởi kiện đến Tòa án sẽ thông qua trình tự tố tụng tại Tòa án theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự. Bạn phải gửi đơn khởi kiện cùng các tài liệu, chứng cứ chứng minh đến Tòa án để giải quyết.

Thứ hai, theo thông tin bạn cung cấp công ty giữ một khoản tiền ký quỹ của bạn là 9 triệu đồng, nhưng đến nay vẫn lấy rất nhiều lý do để trì hoãn việc thanh toán lại khoản tiền đó.

Căn cứ Điều 17 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định về hành vi người sử dụng lao động không được làm khi giao kết, thực hiện hợp đồng lao động như sau:

“ 1. Giữ bản chính giấy tờ tùy thân, văn bằng, chứng chỉ của người lao động.

2. Yêu cầu người lao động phải thực hiện biện pháp bảo đảm bằng tiền hoặc tài sản khác cho việc thực hiện hợp đồng lao động.

3. Buộc người lao động thực hiện hợp đồng lao động để trả nợ cho người sử dụng lao động”.

Căn cứ tại Khoản 2 và khoản 3 Điều 8 Nghị định 28/2020/NĐ-CP ngày 01/3/2020 Quy định xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng quy định như sau:

2. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:

a) Giữ bản chính giấy tờ tùy thân, văn bằng, chứng chỉ của người lao động khi giao kết hoặc thực hiện hợp đồng lao động;

b) Buộc người lao động thực hiện biện pháp bảo đảm bằng tiền hoặc tài sản khác cho việc thực hiện hợp đồng lao động;

c) Giao kết hợp đồng lao động với người lao động từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi mà không có sự đồng ý bằng văn bản của người đại diện theo pháp luật của người lao động

3. Biện pháp khắc phục hậu quả

a) Buộc trả lại bản chính giấy tờ tùy thân, văn bằng, chứng chỉ đã giữ của người lao động đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 2 Điều này;

b) Buộc trả lại số tiền hoặc tài sản đã giữ của người lao động cộng với khoản tiền lãi của số tiền đã giữ của người lao động tính theo mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại nhà nước công bố tại thời điểm xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 2 Điều này;

c) Buộc giao kết đúng loại hợp đồng với người lao động đối với hành vi không giao kết đúng loại hợp đồng lao động với người lao động quy định tại khoản 1 Điều này”.

Để thu hồi cũng như yêu cầu công ty trả lại tiền ký quỹ cho bạn, bạn nên trình bày rõ quan điểm của mình về các vấn đề như đã phân tích cho bạn ở trên và yêu cầu công ty phải tuân thủ pháp luật, thanh toán tiền cho bạn trong một thời gian nhất định, quá hạn này bạn có thể làm đơn tố cáo gửi lên Thanh tra lao động; Phòng lao động thương binh xã hội, Thanh tra nhà nước cấp huyện để yêu cầu các cơ quan này hỗ trợ bạn. Giải pháp cuối cùng là bạn có thể nộp đơn khởi kiện công ty ra tòa án nhân dân cấp huyện để buộc công ty phải trả lại tiền ký quỹ cho bạn.


[Trở lại]
Thống kê truy cập

Hôm nay : 1534

Tháng này : 40808

Tổng truy cập : 43381385